Cho thuê luôn nhà mới mua, vợ chồng trẻ tiếp tục ở phòng trọ để trả được khoản nợ hơn 1 tỷ đồng
Cho thuê chính ngôi nhà mới mua
Chị Đinh Thị Thúy (33 tuổi, quê Nam Định) nhận thấy quyết định vay tiền mua nhà trước đó của hai vợ chồng là sáng suốt, khi hiện nay giá nhà đất Hà Nội ngày càng tăng cao. “Chúng tôi thấy mình quá liều khi mới chỉ có khoảng một nửa tiền trong tay, thu nhập không đột biến nhưng vẫn chốt mua nhà lúc đó”, chị Thúy nói.
Chị Thúy và chồng kết hôn cách đây 7 năm và có một cậu con trai nay đã 5 tuổi. Hơn 3 năm trước, trong một lần trò chuyện cùng hội chị em ở cơ quan, chị Thúy chột dạ khi có người nói “nếu không đi vay thì sẽ không bao giờ đủ tiền mua nhà, giá nhà đang tăng chóng mặt trong khi thu nhập vẫn giậm chân tại chỗ”.
“Tôi thấy chị ấy nói cũng đúng nên đã về bàn bạc ngay với chồng để sớm tìm mua nhà. Lúc đó, cộng cả tiền tiết kiệm nhiều năm của vợ chồng với tiền bố mẹ hai bên hỗ trợ thì có khoảng 1,2 tỷ đồng”, chị Thúy kể.
Hai vợ chồng chị Thúy chọn mua nhà đất vì thích riêng tư, chủ động. Thời gian đấy, họ tìm nhà quanh khu vực quận Đống Đa, Cầu Giấy. Tuy nhiên, giá nhà khi đó đều hơn 2-3 tỷ đồng và nằm trong ngõ rất sâu, lối vào lắt léo. Nhiều ngôi nhà mặt tiền hẹp, thiếu ánh sáng, diện tích chưa tới 30 m2 nhưng giá đã rất cao.
Hai vợ chồng phải hạ thấp tiêu chí, tìm mua nhà ở các quận ngoại thành. Đầu năm 2020, họ đã mua được một căn nhà tại phường Bồ Đề, quận Long Biên có diện tích 30 m2, xây 4 tầng 1 tum với giá 2,3 tỷ đồng.
“Ban đầu, chúng tôi định mua ngôi nhà 1,7 tỷ đồng thôi cho đỡ áp lực vay nợ, nhưng sau đó lại cố vay để mua căn này vì thấy vị trí đẹp, xung quanh lại sầm uất, đi lại thuận tiện. Tôi cũng nghĩ rằng, nếu đợi đến khi đủ tiền mua nhà thì sẽ rất lâu và càng khó mua. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy thật may vì khi đó quyết mua luôn, chứ đợi một năm sau thì nhiều khu vực tại Hà Nội “sốt đất”, chị Thúy chia sẻ.
Phải vay hơn 1 tỷ đồng để mua nhà, vợ chồng chị Thúy lên phương án trả nợ bằng cách cho thuê lại chính ngôi nhà đã mua. Còn hai vợ chồng cùng con trai thì ở phòng trọ, thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn mỗi tháng.
Căn nhà được cho thuê lại với giá 8 triệu đồng/tháng, gần đây đã tăng thêm 1 triệu đồng/tháng. Mấy năm nay, vợ chồng chị vẫn ở trọ tại căn phòng ở quận Cầu Giấy để thuận tiện đi làm và cho con đi học, vừa có tiền chênh để trả nợ.
Căn phòng gia đình nhỏ của chị Thúy có giá thuê 4 triệu đồng/tháng. Khoản tiền cho thuê lại căn nhà mới đã giúp chị Thúy trả được tiền trọ và có khoản tích lũy để trả nợ. Công việc của chị Thúy là làm truyền thông cho một công ty tại Hà Nội, còn chồng là kỹ sư công nghệ thông tin. Mức thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 30-35 triệu đồng/tháng. Khoản chi tiêu mỗi tháng của gia đình hết tầm 13-15 triệu đồng.
Chị Thúy liệt kê ra các khoản chi tiêu như tiền ăn khoảng 7 triệu đồng/tháng, tiền học của con 3 triệu đồng/tháng; các chi phí khác như xăng xe, mua sắm đồ thiết yếu, hiếu hỉ, thăm bệnh khoảng 2-3 triệu đồng/tháng; tiền đưa con đi chơi cuối tuần 1,5 triệu đồng/tháng...
Người phụ nữ 33 tuổi kể: “Từ ngày chúng tôi mua nhà thì chi tiêu tiết kiệm, hợp lý hơn, hạn chế ăn ngoài, cân nhắc kỹ khi chọn mua đồ. Chúng tôi tiết kiệm nhưng cũng không đến mức tằn tiện. Mỗi năm gia đình đều sắp xếp đi du lịch một chuyến cùng người thân”.
Căn nhà chị mua ở quận Long Biên hiện nay đã tăng lên 3,5 tỷ đồng. Hai vợ chồng đều cảm thấy an tâm khi đang sở hữu một căn nhà tại Hà Nội. Về khoản nợ, chị Thúy cho biết họ phấn đấu trả hết trong vòng 3-5 năm nữa.
Không còn “làm được đồng nào tiêu đồng đó”
Những ai sinh sống và làm việc tại Hà Nội đều mơ ước có một ngôi nhà cho riêng mình, nhất là những cặp đôi trẻ. Nhiều đôi vợ chồng thừa nhận rất khó để mua được một căn nhà tại Hà Nội, nhưng thực tế vẫn còn giải pháp nếu biết tính toán.
Anh Vũ Tuấn Đức (35 tuổi, quê ở Nam Định) cho biết bản thân trước đây “làm được đồng nào tiêu đồng đó” nên rất khó tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi từ bỏ lối sống này, anh thấy việc sở hữu nhà tại Hà Nội cũng không phải bất khả thi.
“Tôi đã vay ngân hàng 900 triệu đồng, tiền trả lãi hàng tháng hơn tiền thuê nhà một chút. Nhưng nếu cứ đi thuê thì chẳng bao giờ mua được nhà Hà Nội. Từ khi vay nợ, tôi cũng giảm đi nhậu hay chiêu đãi bạn bè. Tôi cũng không hay mua đồ ở thành phố nữa, mà mỗi tháng một lần nhờ bố mẹ ở quê gửi thịt, cua, cá, rau quả…, giá cả rẻ hơn, lại đảm bảo đồ sạch”, anh Đức kể.
Còn với vợ chồng anh Hà Văn Ngọc (quê Hà Tĩnh), 3 năm trước có trong tay 600 triệu đồng, cả hai quyết định tìm mua nhà vì sắp đón thêm thành viên mới. Sau khi tìm hiểu, cặp đôi mua một căn hộ 62 m2 tại khu Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội) với giá 1,4 tỷ đồng, trong đó khoản vay ngân hàng là 800 triệu đồng, ưu đãi lãi suất trong vòng 18 tháng.
Đến nay, vợ chồng anh Ngọc cơ bản đã trả được 70% khoản nợ, trong khi giá căn hộ cùng khu vực với diện tích tương đương nhà anh đang được rao bán 2,4 tỷ đồng.
Chia sẻ về vấn đề mua nhà tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, tùy vào từng hoàn cảnh, khả năng kinh tế của từng gia đình mà có quyết định hợp lý khi tính tới phương án mua nhà.
“Tùy vào thu nhập mà quyết định hình thức mua. Nếu thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ 15-16 triệu đồng thì việc chi tiêu, cho con ăn học là hết, rất khó có khoản tiết kiệm để mua nhà. Nhưng khi thu nhập cao hơn, trừ các chi phí thiết yếu mà vẫn còn tiền dư thì hãy tính tới phương án mua nhà hợp lý”, vị chuyên gia nói./.
- Gen Z đã làm thế nào để có khoản tiết kiệm 300 triệu đồng trước tuổi 25?
- Chuyên gia nói gì khi thế hệ Gen Z chạy đua theo xu hướng “tiết kiệm ồn ào”?