Gen Z đã làm thế nào để có khoản tiết kiệm 300 triệu đồng trước tuổi 25?
Ngày nay, nhiều người trẻ đang loay hoay, chật vật trong công cuộc kiểm soát tài chính cá nhân, kiếm được đồng nào tiêu sạch đồng đó. Thế nhưng, trong bối cảnh bão sa thải và hàng loạt khoản tiêu dùng tăng vọt, bạn nên học cách tiết kiệm và tiêu xài đúng cách.
Trong khi đó, vẫn có những cô gái trẻ trước khi bước qua tuổi 25, họ đã sở hữu một khoản tiết kiệm đáng nể cũng như có nhiều bài học hay trong việc quản lý tài chính.
Tiết kiệm được hơn 300 triệu sau 2 năm đi làm
Một trường hợp cụ thể đó là Thu Hằng (23 tuổi, Hà Nội), hiện đang làm công việc truyền thông. Ngay từ năm 3 Đại học, nhờ chăm chỉ tìm kiếm cơ hội và đi làm từ sớm nên Hằng đã trở thành nhân viên chính thức. Nhờ đó kiếm được mức lương trung bình 20 triệu đồng/tháng và duy trì cho đến hiện tại. Ngoài ra, bên cạnh công việc văn phòng, Thu Hằng còn nhận thêm job ngoài, nhưng nguồn thu nhập này không cố định.
Thu Hằng chia sẻ, từ khi bắt đầu đi làm công việc văn phòng, hàng tháng, cô thường dành 7-10 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Còn lại bao nhiêu, cô sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng khác để tiết kiệm. Sau 2 năm, Thu Hằng đã tiết kiệm được khoản tiền 330 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, Thu Hằng cho biết, cô dành 1,8 triệu đồng đóng tiền thuê nhà (đã bao gồm tiền điện nước, chi phí vệ sinh). Thu Hằng chọn ở trọ chung cùng 2 bạn khác trong văn phòng 23 m2 đã thuê từ năm nhất để giảm bớt chi phí.
Tiếp đến, cô bạn dành 1,5 triệu đồng để mua đồ ăn về tự nấu, 1 triệu đồng cho tiền xăng xe và nạp thẻ điện thoại, 2 triệu đồng dành cho mua quần áo và mỹ phẩm. Còn lại là tiền dùng cho ăn uống bên ngoài, mua đồ dùng học tập, đi du lịch hoặc mua những món đồ yêu thích như điện thoại hay máy tính xách tay... Thời điểm còn đi học thì vào cuối kỳ, cô bạn sẽ đóng thêm khoảng 7 triệu đồng tiền học phí.
Dù để dành được hơn 50% thu nhập, nhưng Thu Hằng nhận thấy mình vẫn chi tiêu thoải mái. Theo cô gái trẻ, sở dĩ bản thân có khoản tiết kiệm lớn sau 2 năm đi làm vì khối lượng công việc thời điểm đó khá nặng nên Thu Hằng không có thời gian tiêu tiền. Tuy nhiên, một khi cô nàng đã quyết định chi tiền cho nhu cầu nào thì thường không suy nghĩ quá nhiều. Điều này dẫn đến Thu Hằng thỉnh thoảng sẽ có những pha tiêu tiền phung phí.
“Suy nghĩ mua sắm để tự thưởng bản thân sau nhiều ngày làm việc đã dẫn đến việc mình có nhiều pha tiêu xài bốc đồng. Ví dụ, mình từng đăng ký khóa học MC với giá 4 triệu đồng, tuy nhiên sau đó hối hận vì không thể thu xếp thời gian làm việc để đi học. Hay có rất nhiều lần mình đã chốt những món quần áo không thể mặc vừa trên các sàn thương mại điện tử…”, Thu Hằng kể lại.
Thời điểm hiện tại, Thu Hằng đã chuyển sang công ty mới với khối lượng công việc giảm bớt để dành thời gian tập trung cho bản thân. Sau thời gian dài căng thẳng khi đi làm, cô bạn rút ra bài học là không nên đánh đổi các mối quan hệ và sức khỏe để theo đuổi công việc. Bởi, đây không phải cách làm hiệu quả và lâu dài để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Theo đó, từ khi nghỉ việc, Thu Hằng cũng giảm bớt các khoản chi tiêu “vung tay quá trán” cũng như ý thức được việc sử dụng tiền hiệu quả hơn.
Tư duy tài chính: “Chi 1 đồng để kiếm được 2 đồng”
Trường hợp khác là Hồng Diễm (24 tuổi, sống tại TP.HCM), đang làm trong lĩnh vực truyền thông. Sau thời gian nỗ lực làm việc và quản lý tài chính, từ năm ngoái, Hồng Diễm đã có khoản tiền tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền này, cô bạn dự định sẽ mua một miếng đất nhỏ trong thời gian tới.
Được biết, Hồng Diễm dành từ 15-17 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt hàng tháng, được phân bổ vào các khoản cụ thể: Tiền ăn uống là 3 triệu đồng; tiền thuê nhà (đã gồm chi phí điện nước) hết 2 triệu đồng; tiền tập gym là 4 triệu đồng; tiền đi chơi với người yêu 500 nghìn đồng; mua sắm cho gia đình và phụ kiện linh tinh tốn 3 triệu đồng; tiền du lịch và mua sắm các khoản khác là 2 triệu đồng; chi phí khác (xăng xe, đi đám cưới, mua sách vở...) hết 2 triệu đồng và tiền mua bảo hiểm là 2 triệu đồng.
Hồng Diễm chia sẻ, bản thân cô muốn tiết kiệm nhiều hơn và giảm chi tiêu cho sinh hoạt phí là cách để đạt được mục tiêu tài chính đó.
Nhiều người cho rằng, cô nàng đang dành khá nhiều cho việc tập gym, lên đến 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cô nàng lại đánh giá các khoản đầu tư vào bản thân dù có đắt cũng xứng đáng.
“Bởi từ những khoản chi đó, mình có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn rất nhiều. Chẳng hạn, việc tập gym giúp tăng cường sức khoẻ, ít bệnh vặt, mình đi làm về không bị quá mệt nên có thể tập trung thêm vào các công việc khác. Bên cạnh đó, kiến thức mình học được từ PT vẫn có thể áp dụng sau này, nên đây là khoản đầu tư 1 lần nhưng có giá trị sử dụng cao”, Hồng Diễm giải thích.
Tư duy tài chính của Hồng Diễm đó là: “Chi 1 đồng để kiếm được 2 đồng”. Nhìn chung, cô nàng này nhận định, cô không ngại tiêu tiền cho những khoản tiền mà bản thân đánh giá là xứng đáng.
Bên cạnh đó, Diễm cũng có một số bí quyết tiết kiệm như không tụ tập ăn chơi nhiều. Vì cô cho rằng khoản tiền này không mang lại nhiều giá trị cho bản thân. Chỉ đi mua sắm khi cần thiết, đồng thời cũng hạn chế lướt các sàn thương mại điện tử hoặc shopping vào thời gian rảnh.
Đặc biệt, khi có lương thì nên bỏ ngay vào tài khoản tiết kiệm. Nhờ đó, Hồng Diễm có thể giảm tình trạng “vung tay quá trán”./.
- Vợ chồng Gen Z trả góp mua nhà 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có tiền dư: Bí quyết chi tiêu là gì?
- Làm thế nào để Gen Z gia tăng dòng tiền với mức lương 8 triệu đồng/tháng?
- Gen Z cùng tư duy đầu tư hiệu quả: Luôn học hỏi từ người giỏi, tìm sự trợ giúp từ những người đồng điệu