ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ sáu, 15h52 19/07/2024

Chủ đầu tư của dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM là ai, kinh doanh ra sao?

(KDPT) - Dự án 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đắc địa ngay mặt tiền trục đường lớn quận 4, đối diện trung tâm quận 1. Trên khu đất này, chủ đầu tư Novaland đã triển khai xây dựng Trung tâm thương mại, officetel và căn hộ với tên thương mại The Tresor.

LTS: Ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Như Loan, 64 tuổi, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Động thái này được C03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200 m2.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đắc địa

Dự án khu phức hợp cao 33 tầng tại 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.
Dự án khu phức hợp cao 33 tầng tại 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.

Theo những thông tin thu thập được, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đắc địa khi nằm đối diện trụ sở Ngân hàng Nhà nước và Trung tâm tài chính quận 1, với các công trình kiến trúc biểu trưng cho TP.HCM như Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), tòa nhà Bitexco...

Đồng thời, dự án cũng nằm ở mặt tiền đường Bến Vân Đồn - tuyến đường lớn nhất quận 4 đông đúc người qua lại, chạy dọc kênh Bến Nghé thuận tiện giao thương đường thủy, song song với tuyến đường Võ Văn Kiệt quận 1 bên kia kênh. Nơi đây còn có giá trị lớn về đầu tư kinh tế khi là vị trí án ngữ của cửa ngõ phía Nam thành phố để đi vào trung tâm phố tài chính sầm uất của quận 1, quận 7.

Bến Vân Đồn cũng là tâm điểm bất động sản của quận 4, khi tập trung hàng chục dự án nhà ở lớn nhỏ của nhiều chủ đầu tư khác nhau, bám theo bờ sông.

Trên vị trí 39-39B Bến Vân Đồn là dự án Khu phức hợp Căn hộ – Thương mại – Văn phòng – Dịch Vụ, được xây dựng trên tổng diện tích 6.201,6 m2. Diện tích mỗi căn hộ đa dạng từ 57,68 – 114,62 m2. Theo các trang rao bán bất động sản tại thời điểm tháng 5/2024, mức giá của dự án này rơi vào khoảng 65-70 triệu/m2.

Đặc biệt, The Tresor nằm trong khu quy hoạch dự án Saigon Royal và Icon 56. Trong đó, Saigon Royal định vị là bất động sản hạng sang với mức giá trên 120 triệu/m2 (cập nhật theo các trang rao bán bất động sản đến tháng 5/2024).

Vị trí tốt, tiện ích đa dạng và đặc biệt phân khúc giá vừa túi tiền khiến The Tresor được "săn đón" bởi các nhà đầu tư trong ngoài nước. Hiện, theo khảo sát, phần đông dân cư The Tresor là cư dân trẻ, định vị dự án là căn hộ trẻ giữa trung tâm Sài Thành.

Về lịch sử khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, theo kết luận 757 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, khu đất có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được quản lý bởi 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Năm 2009, 2 doanh nghiệp Nhà nước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa góp lần lượt 72% vốn và 28% vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (sau đây gọi là Công ty Phú Việt Tín) và được TP.HCM giao khu đất để đầu tư, kinh doanh.

Ngày 25/3/2010, UBND TP.HCM có Quyết định số 1366 thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư kinh doanh theo quy hoạch.

Đến năm 2014, UBND TP phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng. Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền.

Tuy nhiên, đến năm 2014, toàn bộ phần vốn góp của Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín đã bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (MCK: QCG).

Sau đó vài tháng, QCG đã chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty Phú Việt Tín cho 2 công ty khác là Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng và Công ty CP Biệt thự Thành phố. Lý do chuyển nhượng mà bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO của QCG đưa ra là muốn đầu tư cho dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP. HCM, không muốn đầu tư dàn trải.

Theo đó, QCG chuyển nhượng cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương 40% vốn điều lệ của Phú Việt Tín với giá hơn 340 tỷ đồng; chuyển nhượng cho Công ty CP Biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương 54% vốn điều lệ với giá hơn 459 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà Công ty Quốc Cường Gia Lai thu về sau khi chuyển 94% tỉ lệ vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín là gần 800 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, QCG đã thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc mua-bán cổ phần tại Phú Việt Tín.

Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín đã ký hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên. Đây là công ty con của Novaland và Novaland đã xây dựng dự án, bán cho khách hàng với tên thương mại The Tresor.

Nova Phúc Nguyên và Novaland đang kinh doanh ra sao?

Theo thông tin trên trang web của Novaland, Nova Phúc Nguyên được bơm vốn 400 tỷ đồng vào năm 2020. Đây cũng là lần cuối cùng công bố thông tin liên quan đến công ty con này của Novaland.

Theo thông tin Kinh doanh và Phát triển khảo sát, tìm hiểu có được thì ông Phan Ngọc Bảo Ân đang đứng tên là người đại diện pháp luật của Nova Phúc Nguyên.

Ông  Phan Ngọc Bảo Ân cũng là người nhà của công ty con trong hệ sinh thái Novaland, hiện ông Ân đang làm Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Nova Lexington; Nova Princess; Công Ty Cổ phần Cao ốc Phương Đông... và hàng loạt công ty khác mang "họ Nova".

Khách hàng tham quan mô hình một dự án của Novaland.
Khách hàng tham quan mô hình một dự án của Novaland.

Về tập đoàn Novaland, kết quả kinh doanh quý I/2024 ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 1.338 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 503 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận từ việc bàn giao sản phẩm tại các dự án như: NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Lakeview City...

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Novaland lại âm 601 tỉ đồng. Trong đó, hơn 452 tỉ đồng lỗ do chênh lệch tỉ giá, xuất phát chủ yếu từ diễn biến tỉ giá không thuận lợi, dẫn đến việc đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ.

Kết thúc năm tài chính 2023, Novaland ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất gần 4.757 tỷ đồng và gần 486 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. 

Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 4.090 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Lakeview City, Saigon Royal và các dự án BĐS trung tâm khác; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt 667 tỷ đồng. 

Việc doanh thu thấp hơn so với mục tiêu Novaland trình Đại hội đồng Cổ đông vào tháng 06/2023 là do giảm doanh thu chuyển nhượng bất động sản, nguyên nhân do niềm tin của thị trường giảm sút và cần nhiều thời gian để phục hồi như trước đây.

Đối với kế hoạch năm 2024, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 32.587 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.079 tỷ đồng. Với nguồn vốn năm 2024, công ty này dự kiến sẽ huy động 16.000 tỷ đồng từ các định chế tài chính để phát triển dự án và hoạt động kinh doanh. Mới đây, vào ngày 22/04/2024, Novaland trình HĐQT kế hoạch phát hành cổ phiếu trị giá hơn 11.700 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Thời gian chào bán dự kiến trong Quý II năm 2024.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024