ISSN-2815-5823

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025

(KDPT) - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 209 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo; các địa phương đã thẩm định 365 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 8.058 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm khẩn trương rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành 3 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Năm 2024, 6.099 văn bản quy phạm pháp luật đã được ngành tư pháp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản, các địa phương kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 621.000 việc được thi hành xong, thu được hơn 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 việc và tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đến nay đã số hóa hơn 3 triệu sổ với 95,8 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hơn 79,3 triệu dữ liệu và được kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện với việc Bộ, ngành Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và Luật Công chứng (sửa đổi).

Công tác trợ giúp pháp lý đóng vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Cả nước đã thụ lý 63.361 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có 56.034 vụ việc tham gia tố tụng.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 42 điều ước quốc tế; góp ý 228 điều ước và thoả thuận quốc tế; tiếp nhận và chuyển giao 3.020 hồ sơ tương trợ tư pháp cho các cơ quan nước ngoài và 1.215 hồ sơ về ủy thác tư pháp cho cơ quan trong nước. Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp được thúc đẩy mạnh mẽ trên cả 3 bình diện: Toàn cầu, khu vực và song phương…

Năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV); chủ trì tham mưu xây dựng một số dự án luật khác như: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi)...

Đặc biệt, tham gia vào cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần "tinh, gọn, mạnh"./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/12/2024