ISSN-2815-5823

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: “Không có chuyện chúng tôi buông bỏ VinFast”

(KDPT) - Chủ tịch Vingroup khẳng định VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu đẳng cấp. Ông cho biết sẽ thu xếp tài sản để tài trợ cho VinFast thêm 1 tỷ USD nữa.

Mục tiêu doanh thu 200.000 tỷ đồng 

Sáng 25/4, Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (Vingroup, HoSE: VIC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Hà Nội. 

Báo cáo tại đại hội, Ban lãnh đạo VIC cho hay năm 2023, doanh thu thuần đạt 161.428 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước, chủ yếu do doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng 39.453 tỷ đồng và doanh thu hoạt động sản xuất tăng 15.023 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.056 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước, tiếp tục đà phục hồi từ năm 2022 sau đại dịch. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vingroup.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vingroup.

Bước sang năm 2024, Vingroup xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh ở 3 trụ cột chính: Công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.

Ở mảng xe, tập đoàn đặt mục tiêu đẩy mạnh sản lượng xe bàn giao và tối ưu chi phí thông qua sáng kiến về thiết kế, mua hàng và sản xuất; đặt mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024; bàn giao mẫu mới tại thị trường Mỹ, xuất khẩu xe đến Châu Âu và bắt đầu phân phối tại Indonesia.

Ở mảng bất động sản, Vinhomes đặt mục tiêu hoàn thiện kênh phân phối và đẩy mạnh mô hình O2O. Cụ thể, công ty xây dựng hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có. Công ty cũng sẽ cải thiện hệ thống kinh doanh online.

Năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu khoảng 200.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng. 

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, HĐQT đề xuất trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ và toàn bộ lợi nhuận còn lại được giữ lại dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ phương án niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng.

Dự định tài trợ cho VinFast thêm 1 tỷ USD 

 phiên thảo luận, VinFast tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cổ đông. Tại đây, chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định ông và Vingroup sẽ dồn toàn lực cho VinFast.

“Như 70 năm trước, khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng ta có khẩu hiệu ‘tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng’. VinFast cũng như vậy. Tôi khẳng định không có chuyện buông bỏ VinFast, vì đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh nữa mà trách nhiệm của chúng ta. Tôi sẽ không buông", ông Phạm Nhật Vượng quả quyết.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast.

Đáng chú ý, ông Vượng cho hay sau khi tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD, thời gian tới ông sẽ thu xếp nguồn vốn cá nhân để tài trợ cho VinFast tối thiểu 1 tỷ USD nữa.

Về vấn đề luân chuyển dòng tiền trong hệ thống Vingroup, ông Vượng khẳng định Vinhomes không chối bỏ nghĩa vụ với VinFast, bởi “chúng ta đang kêu gọi mọi người hỗ trợ VinFast thì không có lý gì các thành viên trong hệ thống lại từ chối. Chúng tôi tham gia mạnh mẽ, nhưng đúng pháp luật, đúng quy trình”.

Trước thắc mắc cổ đông về những lo ngại trên thị trường về dòng tiền hay năng lực của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định "điều đó không có cơ sở, chỉ là tin đồn, do các dụng ý khác nhau”, mọi kế hoạch tài chính được cân đối, thực hiện nghiêm túc. 

Theo ông, thị trường hiện tại khó khăn, nhưng giai đoạn khó khăn nhất với tập đoàn đã đi qua, bằng chứng là doanh số của các đơn vị thuộc Vingroup rất tốt. Chẳng hạn, Vinhomes trong tháng 3-4 đã bán được lượng hàng khổng lồ. Trong khi đó, VinFast đã lần đầu tiên trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất ở Việt Nam.

Ở lĩnh vực xe điện, người đứng đầu Vingroup lặp lại tuyên bố cách đây hai năm, "đây là lĩnh vực khó, nếu dễ dàng đã không đến lượt Vingroup làm". VinFast, là dự án làm bởi trách nhiệm xã hội, mong muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu đẳng cấp trên thị trường thế giới. 

Đề cập tới chuyện xây 3 nhà máy VinFast ở 3 nước, ông Vượng thông tin điều đó nhằm hưởng ưu đãi. Chẳng hạn, ở Mỹ, trong 5 năm, VinFast bỏ 2 tỷ USD đầu tư thì sẽ nhận được hơn 2 tỷ USD hỗ trợ. “Đó là đòn bẩy để ta chiếm thị trường Mỹ”, ông nói và nhấn mạnh VinFast sẽ huy động vốn từ các thị trường để làm nhà máy.

“VinFast tính theo chuẩn nội địa hóa của nhà nước là 80% (tính theo cụm linh kiện). Đây là nỗ lực hết sức lớn. Đó là nền tảng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Vingroup đã xác định rõ ràng: Các doanh nghiệp khác làm được gì thì nhường họ làm, để tập trung cho những cái họ không làm được”, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.

Một thông tin đáng chú ý khác là chủ tịch Vingroup chia sẻ ông sẽ bỏ 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới để xây dựng trạm sạc. Động thái này chủ yếu để giải quyết vấn đề tâm lý. Bởi thống kê trên thế giới khoảng 90% người dùng đi xe dưới 100km/ngày nên “sạc ở nhà là được, đâu cần sử dụng sạc bên ngoài”. 

Liên quan đến tình hình kinh doanh của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng cho biết dự kiến tới 2026 sẽ hoà EBITDA và bắt đầu có lãi. Thực tế một số thị trường đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền “3 không”: không khấu hao - không lợi nhuận - không chi phí tài chính, tất cả nội dung đó bỏ ra, không tính vào giá thành để cho năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình được thông qua./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/11/2024