Chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng đi lên, kỳ vọng vào 2 nhóm cổ phiếu
Vĩ mô đang tốt dần lên
Mới đây, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đã có những chia sẻ về xu hướng chính của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Đưa ra nhận định về tình hình vĩ mô hiện tại, ông lã Giang Trung cho rằng, giai đoạn xấu nhất của vĩ mô đã nằm ở cuối năm 2022, tình hình hiện tại đã được cải thiện theo hướng tích cực cho nền kinh tế hơn, tuy nhiên vẫn ở mức độ chậm.
Theo vị chuyên gia này, một chu kỳ kinh tế thường kéo dài bình quân 7-8 năm. Tại Việt Nam, chu kỳ kinh tế thường gắn chặt với chu kỳ bất động sản. Theo đó, ở chu kỳ trước, bất động sản tạo đáy vào năm 2012, sau đó tạo đỉnh và điều chỉnh vào năm 2022 - thời điểm kinh tế vĩ mô xấu nhất. Hiện tại, chúng ta cũng đang bắt đầu một chu kỳ mới của vĩ mô, dù chưa quá tốt nhưng đang tốt dần theo thời gian.
Về thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất. Các tài sản rủi ro muốn đi lên cần có dòng tiền, khi dòng tiền lớn, các tài sản rủi ro sẽ tự nhiên đi lên, ngược lại khi dòng tiền rút đi tài sản rủi ro sẽ đi xuống.
Hiện tại, chính sách tiền tệ tại Việt Nam đang nới lỏng, chính sách tài khóa cũng hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo vị chuyên gia, nhìn vào một chu kỳ dài, có thể thấy rõ ràng từ cuối năm 2022 (khi các chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ trở lại), thị trường đã đi lên từ đáy và bắt đầu một chu kỳ mới.
Ông Lã Giang Trung cho biết, thị trường sẽ tăng mạnh ở giai đoạn đầu tiên khi chính sách tiền tệ nới lỏng, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, chính sách tiền tệ sẽ bớt nới lỏng. Tuy nhiên, để tiến tới ngưỡng mang tính thắt chặt vẫn còn rất lâu. Do đó, các chính sách hiện vẫn đang là hỗ trợ cho thị trường.
Theo đó, vị chuyên gia đưa ra 3 giai đoạn của thị trường đó là: Giai đoạn định giá tài sản từ mức rất thấp được đưa về mức trung bình (giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh nhất), giai đoạn tiếp theo là từ mức trung bình đi lên do hoạt động kinh doanh cải thiện (giai đoạn cần thời gian) và giai đoạn mức định giá bùng nổ (đây là giai đoạn cuối của chu kỳ).
Vị CEO Passion Investment cho rằng, thị trường hiện đã qua giai đoạn định giá cổ phiếu từ mức rất thấp về mức bình thường, từ đây trở lên sẽ không còn mạnh mẽ và khó khăn hơn, nhưng vẫn trong xu hướng đi lên.
Ông Lã Giang Trung cho hay, ở giai đoạn nới lỏng tiền tệ đầu tiên, khi thị trường chứng khoán ở mức rất thấp, tất cả các cổ phiếu đều có bước nhảy vọt lớn, giai đoạn này đã đi qua gần hết. Cụ thể, khi tiền tệ được nới lỏng lần đầu tiên vào cuối năm 2022, những nhóm ngành như chứng khoán và bất động sản đã tăng rất mạnh và vừa qua tới lượt ngân hàng gần như là nhóm ngành tăng cuối cùng.
Tiềm năng ngành bất động sản và ngân hàng ra sao?
Như đã biết, thị trường bất động sản năm 2022 ghi nhận sự đổ vỡ, thay đổi về cấu trúc thị trường, tỷ lệ đòn bẩy, chuyển giao tài sản từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn. Trong bối cảnh lãi suất thấp, thị trường đã tạo đáy và đi lên. Trong đó, những phân khúc đi lên đầu tiên là phân khúc có nhu cầu cao, nhu cầu để ở như chung cư, đất nền gần nội đô,... Tuy nhiên, lượng cung của các phân khúc này hạn chế, chênh lệch cung cầu khiến giá bất động sản mua để ở tăng nhanh. Trong khi đó, phân khúc mua để đầu tư cần nhiều thời gian để hồi phục.
"Giai đoạn hiện tại rất giống với giai đoạn 2014-2015, những phân khúc để ở thì có tăng, còn những phân khúc khác phải từ từ. Doanh nghiệp nào có sản phẩm có thể ở luôn sẽ có lợi, còn sản phẩm nghỉ dưỡng phải đợi", ông Lã Giang Trung cho hay.
Đánh giá về nhóm ngân hàng, vị CEO Passion Investment cho biết, giai đoạn đầu tiên giá cổ phiếu tăng không liên quan đến lợi nhuận, các ngành khác đã đi qua pha này và hiện tại đang ở pha doanh nghiệp phải cải thiện lợi nhuận giá cổ phiếu mới có thể tiếp tục tăng. Với nhóm ngành này, thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay đang có pha đưa về mức định giá hợp lý.
Mặc dù lợi nhuận ngành ngân hàng chưa cải thiện, nhưng quý III - IV/2023 là thời điểm nợ xấu thực tế cao nhất. Từ đó tới nay, nợ xấu thực tế đang giảm dần (sản phẩm ngân hàng cho vay cầm cố nhiều nhất là bất động sản đang tăng giá, lãi suất nền thấp, một số ngành như xuất khẩu, sản xuất, ngành liên quan đến bất động sản đã bắt đầu tăng trưởng trở lại...).
Ông Lã Giang Trung cho rằng, cuối năm nay, ngân hàng sẽ là nhóm cuối cùng tăng về mức định giá hợp lý, đây là bước nhảy rất lớn khiến nhóm ngân hàng khả quan hơn các nhóm ngành khác, sau khi qua giai đoạn này cần phải tiếp tục chờ đợi.
Nhiều nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh quý I/2024
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá kinh tế vĩ mô trong nước quý I/2024 đã ghi nhận sự khởi đầu tích cực. Mức tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn so với kịch bản tăng trưởng quý I từ 5,2-5,6%. Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý mức tăng trưởng mạnh chủ yếu do quý I năm trước là giai đoạn kinh tế khá ảm đạm, xuất khẩu, tiêu dùng đều giảm mạnh trong môi trường lãi suất cao.
Agriseco Research cho rằng những số liệu kinh tế vĩ mô tích cực sẽ tiếp tục tạo cơ sở trong việc kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ đạt mức tăng trưởng tốt, đặc biệt so với mức nền thấp cùng kỳ. Điều này sẽ tiếp nối sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu từ quý III năm ngoái đến nay. Qua đó tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cũng như giúp mặt bằng định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn so với mức P/E 15x lần của hiện tại.
Theo Agriseco Research dự báo, một số ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao có thể kỳ vọng như thép, cao su, chứng khoán, bán lẻ và chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc duy trì môi trường lãi suất thấp cũng sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Đồng thời, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô cũng như doanh thu hoạt động.
Có thể thấy, vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, đặc biệt là vốn đăng ký mới và số dự án mới tăng mạnh trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi. Ngoài ra, theo Agriseco Research, nhóm khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công đang triển khai liên quan đến đường xá, hạ tầng.
Trong khi đó, tình hình thương mại quốc tế phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm 2023 kỳ vọng sẽ giúp các nhóm xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ như sắt thép, cao su, hóa chất, xơ sợi và gỗ. Cùng với đó, các ngành liên quan như logistics, cảng biển cũng được kỳ vọng được hưởng lợi từ xu hướng này.
Mặt khác, Agriseco Research lưu ý khu vực sản xuất, xuất khẩu mặc dù có sự cải thiện nhưng nhìn chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn ở một số nhóm ngành, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Chỉ số PMI tháng 3 giảm về dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy xu hướng phục hồi chưa rõ nét. Những yếu tố này làm giảm kỳ vọng của giới đầu tư về sức bật hồi phục trong năm 2024.
Đặc biệt, tỷ giá đang là yếu tố rủi ro cần lưu ý. Thị trường có thể tiếp tục gặp áp lực bán ròng từ nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới sau khi khối này đã bán ròng hơn 1 tỷ USD trong vòng một năm qua.
Trong báo cáo của Agriseco Research nhấn mạnh, tình hình vĩ mô quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước nước, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế lớn.. Các yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng./.
- Cổ phiếu ngành bán lẻ dự báo tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024
- Chuyên gia dự báo “sóng” cổ phiếu bất động sản sẽ sớm xuất hiện
- Dư địa tín dụng trở thành động lực tăng giá cổ phiếu ngân hàng