ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ năm, 06h00 11/04/2024

Dư địa tín dụng trở thành động lực tăng giá cổ phiếu ngân hàng

(KDPT) - Chỉ số VN-Index hồi phục trong phiên 9/4 dựa trên sự tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng. Các chuyên gia nhận định nhóm ngành này vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng như việc chia cổ tức và nới room tín dụng.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phục hồi trong phiên giao dịch 9/4. Cổ phiếu trong nhóm Big 3, như BID cán mốc 52.700 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 1,7 triệu cổ phiếu; Cổ phiếu TCB đạt 45.800 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 5,3 triệu cổ phiếu, mã này đang được giới đầu tư săn đón nhờ việc TCB có mức chi trả cổ tức cao.

Cụ thể, Techcombank (TCB) sẽ trình cổ đông phương án sử dụng hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023, tỷ lệ 15%/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 1.500 đồng. Đây là một thay đổi lớn của TCB sau hơn 10 năm dồn hết lợi nhuận vào việc củng cố nền tảng vốn và phát triển kinh doanh. 

Ban Lãnh đạo TCB cho biết, điều này nhằm đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, lại vừa có thu nhập từ kết quả kinh doanh hàng năm. HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 70.450 tỷ đồng từ mức 35.225 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi thưởng với tỷ lệ 100% cho cổ đông.

Techcombank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu với lợi nhuận 20%/năm.
Techcombank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu với lợi nhuận 20%/năm.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt, cũng như lần đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 5 năm.

Tổng Giám đốc TCB Jens Lottner cho biết, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức của ngân hàng đã dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và các dự báo thay đổi chính sách. Techcombank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu với lợi nhuận 20%/năm.

Tại cuộc họp cổ đông vào ngày 26/4 sắp tới, HDBank (HDB) đã trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2023, thực hiện vào năm 2024 với tỷ lệ 25%, bao gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Đây là ngân hàng có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm, kéo dài suốt một thập kỷ qua.

Một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ là MSB cũng dự định chia cổ tức cao. Tại đại hội đồng cổ đông sắp tới, MSB sẽ xin ý kiến cổ đông để thông qua phương án tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% lấy từ nguồn lợi nhuận chưa được phân phối tính đến thời điểm ngày 31/12/2023. 

Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB vào ngày chốt quyền sẽ nhận thêm 30 cổ phiếu mới. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, MSB sẽ tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu MSB đóng cửa phiên 9/4 là 14.450 đồng/cp.

ACB đã thông qua Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 kế hoạch trích hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% tiền mặt. Sau khi hoàn tất chia cổ phiếu với tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.666 tỷ đồng. Dự kiến thời gian hoàn thành vào quý III/2024.

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 được kỳ vọng đạt 14-15%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 được kỳ vọng đạt 14-15%.

Các chuyên gia đánh giá về dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, theo đó một số cơ sở quan trọng là tăng trưởng tín dụng năm 2024 được kỳ vọng đạt 14-15%. Thậm chí room tín dụng sẽ được nới cho nhóm ngân hàng có nhiều dư địa tăng trưởng.

Dù trong 3 tháng qua tăng trưởng tín dụng còn khá chậm (tính đến 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tăng 0,26% so với cuối năm 2023), tuy nhiên các dấu hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI cho thấy tín dụng vẫn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian còn lại của năm nay. Vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia MBS, tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt 14-15%, tương đương kế hoạch đề ra của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, với danh mục các cổ phiếu ngân hàng, các nhà đầu tư cần lưu ý những rủi ro suy giảm chất lượng tài sản cùng với áp lực trích lập dự phòng vẫn còn lớn trong năm nay. MBS cho rằng, trong nửa đầu năm 2024, việc thu hút tín dụng bằng cách tiếp tục giảm lãi suất trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện nay sẽ khiến các ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng thiếu bộ đệm trích lập dự phòng. Do thu nhập lãi thấp có thể làm tăng nợ xấu thêm 10-20 điểm cơ bản. 

Diễn biến tích cực trong hệ thống ngân hàng những tháng đầu năm 2024 đã thúc đẩy định giá toàn ngành tăng.
Diễn biến tích cực trong hệ thống ngân hàng những tháng đầu năm 2024 đã thúc đẩy định giá toàn ngành tăng.

Kỳ vọng cả năm 2024 sẽ có kết quả khả quan, các ngân hàng sẽ tăng cường trích lập, xử lý tốt nợ xấu để đưa mức nợ xấu trở lại mức tương đương cả năm 2023.

Như vậy, những diễn biến tích cực trong hệ thống ngân hàng những tháng đầu năm 2024 đã thúc đẩy định giá toàn ngành tăng đáng kể so với lịch sử. Mức P/B ngành ngân hàng đang ở mức 1.66, cao hơn 6,7% so với trung bình 1 năm, thấp hơn 8,7% so với trung bình 3 năm. 

Theo nhận định của MBS, những ngân hàng đạt được kết quả kinh doanh khả quan so với ngành sẽ có những đặc điểm như sau:

Một là, NIM có thể chống lại sự bào mòn của hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng.

Hai là, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ có NIM bền vững sẽ là các ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA, như TCB, VCB, MBB… 

Ba là, các ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt, ổn định nhờ sở hữu tệp khách hàng riêng, như TCB, HDB… Cuối cùng là các ngân hàng có chất lượng tài sản đã được cải thiện cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập năm 2024, qua đó giúp gia tăng đáng kể so với toàn ngành, như TCB, VIB, CTG…/.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024