Cơ hội và thách thức buộc doanh nghiệp điện tử Việt phải chuyển mình
GEIMS Việt Nam 2024 thu hút hơn 200 gian hàng, quy tụ hơn 100 nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và dự kiến chào đón hơn 10.000 khách tham quan từ các doanh nghiệp và nhà máy trong lĩnh vực sản xuất điện tử và sản xuất thông minh.
Theo báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report), Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện.
Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đã đạt 105 tỷ USD, xấp xỉ bằng tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử cả năm 2023 (109 tỷ USD). Con số này cho thấy sức tăng trưởng vượt trội và đầy tiềm năng của ngành cũng như sức phát triển của chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam.
Từ năm 2023 đến nay, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam ngày càng rõ nét, dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất, lắp ráp và cung ứng linh kiện. Các hãng điện tử lớn đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG, Intel Việt Nam… cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư như Samsung, LG, Intel Việt Nam… Đây là tiềm năng rất lớn, cơ hội chưa bao giờ có cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam bứt phá và tăng tốc.
GEIMS Việt Nam 2024 được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự bứt tốc của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, bằng cách cung cấp một nền tảng để các nhà lãnh đạo, nhà sáng tạo và chuyên gia trong ngành trao đổi ý tưởng, chia sẻ kiến thức và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài trong một chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.
Nằm trong khuôn khổ GEIMS Việt Nam 2024, Hội thảo "Việt Nam - Nhân tố then chốt trong Chuỗi Cung ứng Điện tử thông minh: Tích hợp đổi mới để tạo lợi thế cạnh tranh" đã được tổ chức chiều 28/11.
Tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử vẫn ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí doanh nghiệp sản xuất.
Sự đóng góp của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Đơn hàng hay bị gián đoạn, doanh nghiệp ở thế bị động, thiệt thòi khi đàm phán hợp đồng với các đối tác lớn do không tương thích về công nghệ, năng lực quản trị, vốn đầu tư.
Chính vì vậy, đi cùng cơ hội lại là thách thức rất lớn, buộc doanh nghiệp điện tử nội địa cũng phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng công nghệ, quy mô tổ chức sản xuất thông minh, mang tính toàn cầu.
Ngoài ra, những quy định thay đổi quá nhanh cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp điện tử. Đây cũng chính là rào cản khiến xuất khẩu bị gián đoạn. Để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử phát triển mạnh hơn, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong ngành điện tử toàn cầu, bà Hương cho rằng các chính sách của Chính phủ đã có nên nhanh chóng đi vào đời sống, hiện thực hơn.
Nhận định về những tiềm năng của Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương nêu 3 yếu tố chính. Đó là: lao động; chính sách; hạ tầng bất động sản công nghiệp.
Điện tử là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam. Lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ sau dệt may và da giày). Đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang dành rất nhiều chính sách, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp điện tử. Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi đầu tư từ Chính phủ.
Bên cạnh đó, lợi thế về vị trí địa lý ở mỗi vùng miền của Việt Nam cũng khác nhau. Nếu như ở miền Bắc có các khu công nghiệp (KCN) gần với đường cao tốc thì ở miền Trung lại có lợi thế đường bờ biển dài, các KCN cũng được bố trí xây dựng dọc theo các tuyến đường bờ biển nên có vị trí gần với các cảng biển, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa./.
- Thương mại điện tử muốn phát triển bền vững cần có sự cạnh tranh bình đẳng
- Thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc