ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 07h00 25/11/2024

Thương mại điện tử muốn phát triển bền vững cần có sự cạnh tranh bình đẳng

(KDPT) - Các sàn thương mại điện tử hiện nay cần phải có khung khổ pháp lý rõ ràng để đảm bảo các chủ thể kinh doanh hay thương mại truyền thống được cạnh tranh bình đẳng.

Thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam cần sự công bằng

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là một xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số. Bởi thế, nhìn thẳng vào nó, tiếp nhận và có những phương án ứng xử chính xác và phù hợp trong thời kỳ kinh tế thế giới đang phát triển từng ngày về mặt công nghệ là yêu cầu chúng ta buộc phải chấp nhận. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân đã giật mình bởi  thực trạng sàn Temu hoành hành ở Việt Nam với giá quá rẻ. khi thâm nhập vào Việt Nam từ đầu tháng 10, Temu đã bán hàng rầm rộ không phép tại Việt Nam. Điều đáng nói, từ sự việc của Temu cũng lộ ra sự thật là cả loạt các tên tuổi lớn khác đã hoạt động TMĐT tại Việt Nam từ lâu nhưng vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam như Taobao, 1688, Shei.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Bộ Công thương cho hay, hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam là Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định 85/2021/NĐ-CP.

Thương mại điện tử muốn phát triển bền vững cần có sự cạnh tranh bình đẳng - ảnh 1

Theo ông Thành, từ trước tới nay, rất nhiều trường hợp sàn TMĐT bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý. Mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng. Bản chất của việc chưa được cấp phép mà đã bán hàng là sai. Về mặt nguyên tắc là có thể bắt các sàn này phải đóng lại. Nguyên tắc, khi chưa đăng ký với Bộ, họ chỉ được phép chạy ngầm. Tức là, chỉ chạy dưới địa chỉ IP để cập nhập, xét duyệt, hiển thị thông tin lên trang mà không được bán hàng. Cho đến khi được cấp nhãn đã đăng ký với Bộ Công Thương thì mới được phép bán hàng, ông Thành cho biết.

Thực tế, chế tài xử phạt hiện nay là “buộc gỡ bỏ”, thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp không gỡ bỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện việc này.

Điều này dẫn đến hệ lụy, các doanh nghiệp, nền tảng TMĐT đã đăng ký hoạt động đều phải nộp thuế, còn các nền tảng chưa hoặc không đăng ký thì sẽ chưa và không nộp thuế, chưa và không chịu sự kiểm soát theo quy định Việt Nam. Như vậy, việc các sàn TMĐT không đăng ký mà vẫn hoạt động sẽ tạo ra một cuộc chơi không công bằng.

Số lượng giao dịch không chính thống qua sàn lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam, phản ánh 1-2 tháng gần đây, câu chuyện về nền tảng TMĐT xuyên biên giới mới vào Việt Nam tạo chiến lược marketing đã được bàn thảo nhiều trên trên mạng xã hội, hay các cuộc bàn thảo về TMĐT làm thế nào để phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Thanh nêu quan điểm cá nhân cần phải có khung khổ pháp lý rõ ràng để đảm bảo các chủ thể kinh doanh TMĐT hay thương mại truyền thống được cạnh tranh bình đẳng. Điều này cần vai trò của Bộ Công Thương trong xây dựng chính sách rất quan trọng.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam chỉ ra điểm đáng nguy hiểm hơn là các giao dịch mua bán online không thông qua sàn TMĐT.

Xu hướng bán hàng online ngày càng nở rộ. (Ảnh minh họa)
Xu hướng bán hàng online ngày càng nở rộ. (Ảnh minh họa)

Theo ông, số lượng giao dịch không chính thống qua sàn rất lớn lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng, nhưng chưa được quản lý, dẫn tới rủi ro trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái, cũng như đặt ra câu chuyện về thách thức quản lý thuế của Nhà nước.

"Có tình trạng chẳng lên sàn mà người bán - người mua sử dụng "TMĐT inbox", tự giao dịch, thuê ship giao hàng cho nhau", ông Thanh chia sẻ. Nếu không giải quyết được điều này, ông Thanh cho rằng TMĐT không thể phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc không kiểm soát chặt chẽ hoạt động từ sàn TMĐT có thể sẽ xảy ra nhiều hệ lụy, từ việc không bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, tới thất thu thuế, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh không lành mạnh…

Như vậy, rõ ràng để thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có thể phát triển một cách lành mạnh, bền vững, có 4 yếu tố hàng đầu cần được bảo đảm. Đó là, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ hàng quốc nội; tránh thất thu thuế và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh…/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024