ISSN-2815-5823

Công ty công nghệ châu Á bị ảnh hưởng doanh thu do lệnh hạn chế của Mỹ

(KDPT) – Sau những hạn chế gần đây nhất từ Hoa Kỳ đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei của Trung Quốc, doanh thu của các công ty công nghệ khắp châu Á – Thái Bình Dương đã giảm mạnh.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đưa ra một quy tắc mới yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Hoa Kỳ phải có giấy phép BIS của nước này để bán một số chất bán dẫn cho Huawei hoặc các chi nhánh của Huawei. Nhưng để xin được giấy phép này là việc gần như bất khả thi. Trong khi đó Huawei rất cần những chất bán dẫn này để sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông.

Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gây rủi ro khoảng 25 tỷ USD doanh thu cho các công ty công nghệ tại châu Á – Thái Bình Dương, theo đánh giá của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P).

Những hạn chế mới có thể ảnh hưởng từ 15% đến 20% doanh thu, tương đương khoảng 7 tỷ USD, tới các công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử như Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan và Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn quốc tế – nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.

Huawei chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Huawei là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu. Huawei còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc, đang trở thành tâm điểm chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Tháng 5 năm 2019, Chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách “đen” có tên gọi Entity List, nhằm hạn chế công ty này mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các đối tác của Mỹ. Washington cho rằng các hoạt động của công ty công nghệ cao có nguy cơ đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ

Theo báo cáo của S&P, các công ty trong khu vực châu Á có thể gặp tổn thất lên tới 18 tỷ USD do làm ăn với các công ty công nghệ có tên trong danh sách Entity List của Hoa Kỳ. Đặc biệt là các công ty sản xuất chipset sử dụng một số công nghệ hoặc thiết bị sản xuất nhất định của Hoa Kỳ.

Clifford Kurz, nhà phân tích tại S&P cho biết: “Nếu không có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ, các công ty như vậy sẽ không thể cung cấp dịch vụ trực tiếp cho Huawei mà không phải đối mặt với những hạn chế”.

Washington đã cáo buộc các thiết bị của Huawei có lỗ hổng bảo mật trong phần cứng được sử dụng để làm gián điệp cho Bắc Kinh. Mặc dù Huawei đã bác bỏ cáo buộc này nhưng Mỹ vẫn kêu gọi các đồng minh của mình loại trừ Huawei trong quá trình xây dựng hệ thống internet di động tốc độ cao 5G.

Báo cáo của S&P dự đoán, hiệu quả xếp hạng doanh thu và tín dụng của các công ty công nghệ khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể ở mức vừa phải khi những công ty này có sự điều chỉnh để hạn chế việc hợp tác với Huawei khi đầu tư vào thị trường công nghệ của Hoa Kỳ.

Trung Quốc tuyên bố có thể hỗ trợ tài chính cho Huawei và các công ty bị ảnh hưởng khác trong khi có thể có một số biện pháp trả đũa bằng cách hạn chế bán các công nghệ của Mỹ tại Trung Quốc.

Tuy nhiên tuần trước căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế đã tăng cao hơn, sau khi Trung Quốc ra lệnh cho lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô ngừng hoạt động. Đó là để trả đũa cho quyết định của Mỹ về việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas. Điều này càng khiến cho hoạt động kinh doanh quốc tế của Huawei và các công ty công nghệ gặp khó khăn hơn.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, Huawei đã lần đầu tiên “vượt mặt” Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới từ 4 đến 6 năm nay. Tuy nhiên các nhà phân tích đã nghi ngờ về việc liệu gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể giữ vững vị trí dẫn đầu của mình hay không vì phần lớn doanh số Huawei trong quý II đến từ thị trường Trung Quốc.

BÍCH NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024