CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát "giải trình" về nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc
Quý III, lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai lao dốc, nợ vay vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng |
HTP đề nghị HNX có thể xem xét các yếu tố khách quan liên quan đến việc chậm nộp hồ sơ cũng như có các giải pháp thay thế, khắc phục để công ty giải trình, chứng minh năng lực tài chính đáp ứng các điều kiện tiếp tục niêm yết.
Lý do HTP chậm thực hiện hồ sơ đánh giá điều kiện tiếp tục niêm yết
Theo HTP, điểm (a), khoản 4, Điều 16 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hoàn thành giao dịch, công ty phải thực hiện thủ tục đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết; đồng thời theo quy định tại khoản 1, Điều 16 nghị định này, thành phần hồ sơ có “báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước cho 02 năm liền trước năm cơ cấu lại doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau kể từ ngày HTP hoàn thành giao dịch, đến năm 2022, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 10/2022/TT-BTC (ngày 14/2/2022) về báo cáo tài chính theo quy ước (có hiệu lực 1/4/2022). Như vậy, trong hơn 1 năm đó, HTP không có đủ cơ sở pháp lý để hoàn thiện hồ sơ đánh giá điều kiện tiếp tục niêm yết.
CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát "giải trình" về nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc. (Ảnh minh hoạ: HT) |
“Mặc dù trong thời gian đó, bằng mọi nỗ lực, chúng tôi đã tích cực liên hệ với các đơn vị tư vấn kiểm toán để tư vấn lập Báo cáo thông tin tài chính theo quy ước nhưng các đơn vị đều từ chối cung cấp dịch vụ do đây là loại báo cáo mới và chưa có hướng dẫn thực hiện”, HTP phân trần.
HTP cũng thông tin rằng, công ty đã có giải trình với HNX tại văn bản số 07102022/HTP- HNX ngày 07/10/2022 ngay sau khi nhận được công văn nhắc nhở triển khai thủ tục đánh giá lại điều kiện niêm yết.
Ngoài ra, tại một công văn khác, số 25112022/HTP-HNX ngày 25/11/2022, HTP cũng đã bày tỏ mong muốn được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện triển khai việc lập báo cáo quy ước theo yêu cầu của NĐ155 do trong quá trình triển khai doanh nghiệp gặp một số vướng mắc.
“Điều này thể hiện HTP luôn tích cực nghiên cứu phương án triển khai thủ tục theo yêu cầu của cơ quan quản lý và quy định pháp luật. Sự chậm trễ về việc triển khai thủ tục đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết trong thời hạn quy định của luật là sự việc hoàn toàn mang yếu tố khách quan mà doanh nghiệp không mong muốn”, HTP bày tỏ và nhấn mạnh đến ngày 22/8/2023, công ty đã hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ báo cáo đánh giá điều kiện tiếp tục niêm yết đến HNX.
HTP nêu 5 yếu tố xin HNX đánh giá hồ sơ phù hợp
Theo HTP, Nghị định 155 quy định hồ sơ bao gồm báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước cho 02 năm liền trước năm cơ cấu lại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại thời điểm cơ cấu lại, công ty được HTP mua cổ phần là Hưng Vượng Developer mới thành lập được 1 năm (năm 2020). Do đó, HTP cho rằng, việc này có thể ảnh hưởng tới việc lập báo cáo quy ước của HTP cho năm 2019 và 2020 một cách đầy đủ nhất và vấn đề này có thể ảnh hưởng tới việc HTP không đáp ứng điều kiện niệm yết sau cơ cấu như thông báo từ HNX.
HTP mong HNX hỗ trợ xem xét đánh giá hồ sơ phù hợp dựa trên các yếu tố sau:
Một là, thời điểm HTP thông qua phương án chào bán cổ phiếu (26/4/2020), nộp hồ sơ đăng ký chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và được UBCKNN chấp thuận phát hành (28/12/2020) đều thuộc năm 2020, trước khi Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực (01/1/2021), do đó việc phát hành của HTP thuộc giai đoạn chuyền tiếp của luật, gây ra các rủi ro pháp lý mà HTP không lường trước được.
Hai là, quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 không có quy định rõ trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có báo cáo thông tin tài chính quy ước 01 năm (không thuộc trường hợp quy định về việc không đủ điều kiện tiếp tục niêm yết).
Ba là, với việc Hưng Vượng Developer không có báo cáo năm 2019, thông tin tài chính theo quy ước năm 2019 có thể hiểu chính là thông tin tài chính của HTP năm 2019 (số dư tại 31/12/2019 của Hưng Vượng Developer bằng 0).
Bốn là, Hưng Vượng Developer có kết quả tình trạng tài chính lành mạnh trước giao dịch cơ cấu.
Năm là, 90 triệu cổ phiếu phát hành thêm đã được chấp thuận niêm yết năm 2021 (ngày 8/3/2021) và giải tỏa hạn chế giao dịch năm 2022 (6/1/2022) và giao dịch ổn định trong năm 2022, 2023.
HTP đề nghị HNX có thể xem xét các yếu tố khách quan liên quan đến việc chậm nộp hồ sơ cũng như có các giải pháp thay thế, khắc phục để công ty giải trình, chứng minh năng lực tài chính đáp ứng các điều kiện tiếp tục niêm yết.
Quan hệ HTP và Hưng Vượng Developer HTP tiền thân là Xí nghiệp In Sách Giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 4/1996. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2004, được chấp thuận niêm yết trên sàn HNX vào tháng 11/2006.
Năm 2020, ông Lê Quốc Kỳ Quang - CEO Hưng Vượng Developer bất ngờ trở thành Chủ tịch của HTP. Tháng 1/2021, HTP đã quyết định mua lại Hưng Vượng Developer, sau khi chào bán riêng 90 triệu cổ phần cho 7 nhà đầu tư cá nhân để nâng vốn điều lệ lên 918 tỷ đồng. Theo đó, HTP đã chi ra 902 tỷ đồng để mua 75,8 triệu cổ phần (tương đương 62,75% vốn) của Hưng Vượng Developer từ các cổ đông hiện hữu (tương ứng giá mua trung bình 11.900 đồng/cổ phiếu). Trở thành công ty mẹ của Hưng Vượng Developer, HTP cũng qua đó sở hữu gián tiếp Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, Công ty TNHH Hưng Vượng AMC, Công ty TNHH Hưng Vượng Hospitality. Sau màn thâu tóm Hưng Vượng Developer, quy mô của HTP tăng mạnh. Đến 30/9/2023, tổng tài sản của HTP đạt 6.486 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất là dự án khu thương mại, dịch vụ thuộc khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (tên thương mại là Venezeia Beach) tại Bình Thuận có giá trị 4.376 tỷ đồng, được ghi nhận tại khoản “tài sản dở dang dài hạn”. Toàn bộ tài sản, quyền tài sản, các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phẩm tại dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt được dùng để thế chấp cho khoản trái phiếu. Tại ngày 30/9/2023, các khoản trái phiếu của HTP được ghi nhận tại khoản “vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn” (chi tiết: Vay dài hạn đến hạn trả), gồm: Trái phiếu của Hưng Vượng Developer (519 tỷ đồng), trái phiếu của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (44 tỷ đồng). Cùng với đó là trái phiếu của 2 đơn vị trên tại khoản “vay và nợ thuê tài chính dài hạn”, gồm: Trái phiếu của Hưng Vượng Developer (79 tỷ đồng), trái phiếu của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (1.499 tỷ đồng). Về tình hình kinh doanh, quý III/2023, HTP đạt 23 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 49%; lợi nhuận trước thuế 1,2 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 71,3 tỷ đồng, tăng gần 49%; lợi nhuận trước thuế đạt 5,9 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước./. |