Quý III, lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai lao dốc, nợ vay vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng
Dấu hỏi về mục tiêu lợi nhuận của Coteccons? |
Lợi nhuận lao dốc
Cụ thể, quý III, ASM ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 14% so với cùng kỳ, còn 2.874,5 tỷ đồng - đây là doanh thu theo quý thấp kể từ quý IV/2021. Lợi nhuận gộp cũng giảm 31%, còn 305 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 56 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh 38%, đạt 168 tỷ đồng, hầu hết là chi phí lãi vay; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 43%, đạt 72,5 tỷ đồng. Công ty tiết giảm được chi phí bán hàng, giảm 36% so với cùng kỳ, đạt 36 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, còn 84,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ASM ghi nhận khoản lỗ khác 8,5 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh 70%, còn 76 tỷ đồng.
Quý III, lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai lao dốc, nợ vay vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: ASM) |
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của ASM giảm 13%, đạt 9.180 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự suy giảm của hầu hết các mảng như: Doanh thu bất động sản (giảm 72%, còn 79 tỷ đồng); doanh thu cá xuất khẩu (giảm 22%, còn 2.261 tỷ đồng), doanh thu thương mại (giảm 16%, còn 2.168 tỷ đồng); doanh thu thức ăn cá (giảm 6%, còn 3.927 tỷ đồng)…
Vì vậy, lợi nhuận gộp 9 tháng giảm 33% so với cùng kỳ, đạt 1.071 tỷ đồng.
Với việc chi phí hoạt động tăng cao, nhất là chi phí tài chính, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ASM giảm 71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 289 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 257 tỷ đồng, giảm 71%.
Trong năm 2023, ASM đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 15.250 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 545 tỷ đồng, giảm 43% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, công ty đã hoàn thành 60% mục tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nợ vay vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng
Về tài sản, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ASM đạt 19.414 tỷ đồng gần như đi ngang so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty ghi nhận quy mô vốn bằng tiền tăng đáng kể, với khoản “tiền và tương đương tiền” đạt 859 tỷ đồng, khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) đạt 1.093 tỷ đồng, tổng cộng 1.952 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với đầu năm.
Cùng đà tăng là hàng tồn kho (tăng 15%), đạt 3.660 tỷ đồng, tương đương 19% tài sản. Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần như đứng yên, đạt 1.149 tỷ đồng, tập trung tại các dự án như: Khu đô thị Bình Long (401 tỷ đồng), khu dân cư Lam Sơn Sao Vàng (132 tỷ đồng), khu văn phòng và nhà ở cao tầng HCM (49 tỷ đồng), nhà máy điện mặt trời Tịnh Biên - An Giang (56 tỷ đồng), khu dân cư Tân Châu - An Giang (34 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2023, nợ phải trả của ASM đạt 11.477 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay đạt 10.124 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, chiếm 97% nợ phải trả.
Với vốn chủ sở hữu rất dày, đạt 7.837 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,47 lần; hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đạt 1,29 lần.
Trong kỳ, dòng tiền kinh doanh của ASM âm 23,5 tỷ đồng, cùng kỳ âm 156 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, công ty vẫn mạnh tay chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác (1.637 tỷ đồng) và chi mua sắm xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác (280 tỷ đồng) khiến dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 231 tỷ đồng.
Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, công ty đã gia tăng vay nợ khiến dòng tiền vay trả trong kỳ tăng mạnh, lần lượt đạt 11.687 tỷ đồng/11.277 tỷ đồng, tăng 9% và 19%. Điều này giúp dòng tiền tài chính dương 266 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đạt 11 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, năm 2022, ASM cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 339 tỷ đồng./.