ISSN-2815-5823

Đại biểu Quốc hội bàn về xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

(KDPT) - Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cách tiếp cận phù hợp với thực tiễn để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững bởi nó giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đi đôi với bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên cho sự thịnh vượng của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, đề nghị cần khẩn trương thực hiện hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sử dụng tài nguyên sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp; đồng thời với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt ưu tiên vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Liên quan đến việc hoàn thiện thể chế để phục vụ cho quá trình chuyển đổi này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần đổi mới toàn diện các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, chú ý đổi mới sáng tạo hình thành trong các trung tâm khoa học công nghệ để nghiên cứu. Từ vấn đề nghiên cứu cơ bản làm tiền đề cho nghiên cứu phát triển và sẽ chuyển đổi mạnh mẽ quản lý về khoa học công nghệ, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong đầu tư các trung tâm đủ mạnh để nghiên cứu khoa học cơ bản về tự nhiên và xã hội. Đồng thời, cần phân cấp và có những cơ chế để huy động, khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển thông qua và trung tâm là các doanh nghiệp và trong tất cả mọi lĩnh vực.

Sản xuất năng lượng điện gió ở Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế cho thấy, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh đã trở thành công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Những thành quả ban đầu của việc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện trên một số lĩnh vực nổi bật như: Tái chế, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp, kinh tế chia sẻ và mang lại hiệu quả tốt cho kinh tế - xã hội và môi trường. Việc chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp hay một khâu sản xuất, mà là ở trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau.

Bàn về xu thế tất yếu này, chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và một trong những điều đặc biệt quan trọng khi thực hiện là cần phải xây dựng được lộ trình phù hợp với từng doanh nghiệp.

Cần lộ trình phù hợp với từng doanh nghiệp

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phân tích: “Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại và gồm nhiều lĩnh vực rất rộng. Đơn cử như việc chúng ta sử dụng tiết kiệm điện cũng là chuyển đổi xanh hoặc việc hạn chế rác thải cũng vậy. Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích nổi bật là bảo vệ môi trường. Đây là một trong những học phần của phát triển bền vững”.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, đi kèm với xu thế này đó là chi phí các doanh nghiệp, đơn vị bỏ ra cũng nhiều. Đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đang thực hiện việc chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững còn ở mức độ đơn giản. Để tiệm cận nhanh những kiến thức khoa học công nghệ hiện đại với các nước phát triển phục vụ cho tiến trình này cũng cần phải có lộ trình cụ thể. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn để hướng tới tương lai bền vững.

“Không phải là các doanh nghiệp chỉ cần nghĩ về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn trong một đêm là đã có thể trở thành ‘con rồng’, ‘con hổ’ mà cần phải có lộ trình cụ thể”, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội bình luận.

Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại và gồm nhiều lĩnh vực rất rộng. Đơn cử như việc chúng ta sử dụng tiết kiệm điện cũng là chuyển đổi xanh hoặc việc hạn chế rác thải cũng vậy. Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích nổi bật là bảo vệ môi trường. Đây là một trong những học phần của phát triển bền vững.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân

Từ những phân tích trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cũng đưa ra giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi, thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thành công.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng về mục tiêu của chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tương lai phát triển bền vững. Khi xác định được định hướng phát triển thì phải lập chiến lược cho động lực phát triển. Và khi doanh nghiệp đã xác định được mục tiêu rõ ràng rồi thì mọi hành động, hoạt động đều cần xoay quanh chiến lược đó.

“Từ lãnh đạo đến nhân viên, thậm chí cả thực tập sinh, mọi tương tác cũng đều phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ĐBQH Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Thứ hai, Khi thực hiện chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đến các yếu tố ảnh hưởng vĩ mô bên ngoài như: Luật pháp, chính sách, công nghệ… theo mô hình PEST (bản mô tả môi trường kinh doanh của doanh nghiệp). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phân tích môi trường nội tại để đưa ra chiến lược, phân tích điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội thách thức khi thực hiện chuyển đổi.

Đồng hành cùng doanh nghiệp tiên phong

Cùng quan điểm với ĐBQH Nguyễn Quang Huân, chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phát động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh… nhằm hướng đến môi trường thân thiện. Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn là việc vô cùng cần thiết, quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

“Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đáng báo động, chúng ta cần phát triển và phát huy hơn nữa công nghệ số để thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đối với tất cả các ngành nghề”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Để thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh có hiệu quả, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao nâng dần nhận thức, tư tưởng của người Việt Nam. Và khi tất cả đều đồng lòng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường thì kinh tế đất nước cũng sẽ phát triển.

Tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp lớn, mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đây là những đơn vị gương mẫu, đầu tầu trong công cuộc phát triển kinh tế theo xu thế chung chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn của thế giới. Đặc biệt, những doanh nghiệp này còn là tấm gương cho các đơn vị khác noi theo bởi bất cứ điều gì cũng phải có người đầu đàn, người tiên phong thực nghiệm, thí nghiệm.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

Trước thực trạng Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có bước tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, ĐBQH Phạm Văn Hòa đánh giá: “Tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp lớn, mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đây là những đơn vị gương mẫu, đầu tàu trong công cuộc phát triển kinh tế theo xu thế chung chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn của thế giới. Đặc biệt, những doanh nghiệp này còn là tấm gương cho các đơn vị khác noi theo bởi bất cứ điều gì cũng phải có người đầu đàn, người tiên phong thực nghiệm, thí nghiệm”.

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bàn về việc triển khai theo xu thế này, một số ĐBQH cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình sản xuất, tiêu dùng còn hạn chế; Khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội; Nhận thức của một số doanh nghiệp về lợi ích và trách nhiệm trong áp dụng các giải pháp của chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn còn hạn chế do áp lực của chi phí áp dụng các giải pháp kỹ thuật chuyển đổi và phát triển. Ngoài ra, sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực ô nhiễm môi trường làm cho việc thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn chưa trở thành một tất yếu khách quan đối với doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về khoa học công nghệ, tài chính và nhân lực nên cũng là yếu tố cản trở trong việc triển khai chuyển đổi xanh, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Từ đó, một số đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn trong cơ quan quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội. Những mô hình ứng dụng thành công cần được tôn vinh, nhân rộng.

Thứ hai, xây dựng lồng ghép việc thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương.

Thứ ba, Nhà nước cần có chủ trương rõ ràng, hoàn thiện môi trường pháp luật và thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ để chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển ngày càng mạnh hơn.

Thứ tư, khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi xanh phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong hoạt động thu gom và tiêu thụ rác tái chế; ứng dụng công nghệ để tiết giảm nguyên liệu, năng lượng; sản xuất sạch, thân thiện với môi trường…/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine