Đại hội cổ đông MB: Lợi nhuận quý I gần 5.800 tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 20%
Tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 đạt 6-8%, tổng tài sản cán mốc 1 triệu tỷ đồng
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của MB là một trong những đại hội đáng chú ý nhất trong các ngân hàng với lượng lớn cổ đông tham dự cuộc họp. Theo báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến 8h25p, có 1.166 cổ đông đăng ký tham dự, đại diện cho phần vốn cổ phần 33.347 tỷ đồng, tương đương 63,96% cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm nay, MB sẽ trình ĐHĐCĐ nhiều nội dung quan trọng, trong đó thông tin được nhiều cổ đông mong đợi nhất là chia cổ tức. Theo tài liệu công bố trước đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Số lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện chia cổ tức là 8.339 tỷ đồng. Đầu tiên, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện HĐQT MB vẫn chưa được công bố. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10-20%, trong khi trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15-20%/năm.
Đồng thời, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, Ban lãnh đạo MB sẽ trình kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025.
Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2024, Ban lãnh đạo MB dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6-8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm nay dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.
Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kỳ vọng tài sản sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm. Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn, trong khi mục tiêu trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tín dụng trung bình đi lên 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng dự kiến sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024, MB muốn có được 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Lợi nhuận quý I ước đạt 5.800 tỷ đồng
Tại phần thảo luận, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2024, vấn đề nợ xấu, dư nợ cho vay bất động sản của MB.
Về kết quả kinh doanh quý I, lãnh đạo MB ước đạt doanh thu khoảng 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5.800 tỷ đồng. Doanh thu ngân hàng mẹ đạt hơn 9.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.200 tỷ đồng.
Khi được hỏi về cơ sở đưa ra mức tăng trưởng lợi nhuận 6-8%, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, năm 2023, NIM toàn ngành giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I năm nay tăng chậm hơn, chỉ 0,23%. Thêm nữa, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm ngoái tăng mạnh, do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên.
“Để thận trọng, MB đặt mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch 6-8%, phấn đấu đạt khoảng 10%”, ông Thái nói.
Thông tin về hoạt động công ty con MCredit, ông Lưu Trung Thái chia sẻ, năm 2023, đơn vị này vẫn có lãi khoảng 300 tỷ đồng. Tình hình cho vay tiêu dùng năm ngoái rất khó khăn, hầu hết các công ty tài chính đều bị suy giảm lợi nhuận.
“Năm 2022, MCredit có ROE khoảng 40%, nhưng 2023 chỉ còn 8%, mặc dù công ty đã hành động trước một bước, là dự báo cho vay tiền mặt khá nhiều rủi ro và chuyển sang cho vay dựa trên dữ liệu, cùng một số đối tác quy mô lớn để kiểm soát chất lượng”, Chủ tịch MB nói. Theo ông, năm 2024, MCredit đang có những điều chỉnh chiến lược, thay vì cho vay tiền mặt thông thường, thông qua con người giảm quyết liệt mà dựa trên nền tảng dữ liệu. Năm nay, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận cao gấp đôi so với năm 2023.
Một vấn đề khác được nhiều cổ đông quan tâm là dư nợ cho vay của MB tại nhiều doanh nghiệp bất động sản. Với Novaland, ban lãnh đạo MB thông tin, năm 2023 đã thu hồi nợ được khoảng 2.400 tỷ đồng, hiện dư nợ không còn nhiều.
“MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, thêm nữa, các vấn đề pháp lý của Novaland đã và đang được giải quyết, nên các khoản vay này không đáng lo ngại”, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB chia sẻ.
Đối với khách hàng nhóm Trung Nam, MB cho vay 3 dự án điện mặt trời và cả ba đều nằm trong FIT1 và FIT2. Nhưng vấn đề của nó là việc chậm thanh toán của EVN. Dự án của Trung Nam dòng tiền về chậm, song không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và không ảnh hưởng lớn đến MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.
Trong năm 2024, lãnh đạo MB cho biết sẽ tập trung cho vay nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật, đây cũng là sản phẩm chủ lực của ngân hàng năm tới. Còn cho vay ô tô của MB rất ít, chỉ chiếm 0,2% trong tổng dư nợ./.
- MB Bank tài trợ hơn 6.000 tỷ cho dự án của Phát Đạt tại Bình Dương
- Lợi nhuận của Hòa Phát ước đạt 2.800 tỷ đồng trong quý I, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước