ISSN-2815-5823

Đằng sau câu chuyện báo lỗ của các "ông lớn": Kết quả kinh doanh của Tập đoàn EVN ra sao?

(KDPT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thua lỗ 20.747 tỷ đồng năm 2022, 26.772 tỷ đồng năm 2023 và tiếp tục lỗ 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đạt tổng doanh thu 1 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh một số tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước có lợi nhuận cao thì EVN, Vietnam Airlines… vẫn đang lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm 2024.

Chiều ngày 16/7, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã tổ chức buổi sơ kết công tác nửa đầu năm và triển khai kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2024. Buổi họp có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và đại diện lãnh đạo từ 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ông Nguyễn Anh Tuấn chính thức công bố kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng rất cao so với kế hoạch; sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất đã đạt mức 1,02 tỷ kWh.

EVN cũng đã điều hành, huy động hợp lý các nguồn điện vừa đảm bảo cung ứng điện vừa tối ưu hóa chi phí cho hệ thống.

Về tình hình tài chính, EVN ghi nhận khoản lỗ 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, theo báo cáo sơ kết. Con số này sẽ được xác nhận chính thức vào cuối năm sau khi kiểm toán. Ông Tuấn kỳ vọng rằng trong 6 tháng cuối năm, khoản lỗ này sẽ giảm xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng nhờ vào việc vận hành thủy điện và giảm chi phí mua điện.

“Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỷ đồng. Cuối năm nay, lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ xuống, nhưng vẫn sẽ lỗ", lãnh đạo EVN thông tin.

Lợi nhuận của EVN giai đoạn 2018-2023. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các năm)
Lợi nhuận của EVN giai đoạn 2018-2023. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các năm)

Trước đó, EVN đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với doanh thu thuần đạt 500.720 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Tuy nhiên, lỗ ròng đã lên mức kỷ lục 26.772 tỷ đồng, tăng 29% so với khoản lỗ 20.747 tỷ đồng của năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2023, khoản lỗ lũy kế đã đạt 41.824 tỷ đồng.

Đề cập đến kết quả trên, ông Tuấn nói: “82% chi phí giá thành EVN là chi phí mua điện, giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng. Còn lại, 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN. Nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì để bù đắp được các chi phí".

Ước tính, đến ngày 30/6/2024, khoản lỗ lũy kế của EVN có thể lên đến 54.824 tỷ đồng dựa theo con số Lãnh đạo tập đoàn cung cấp./.

Trước đó, ngay sau khi EVN công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt đã đưa ra nhận định về điều chỉnh cập nhật ngành điện vào ngày 10/7.

Sản lượng tiêu thụ điện toàn hệ thống được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong năm 2024-2025 nhờ vào sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng.

Chứng khoán Rồng Việt đánh giá rằng, trong các doanh nghiệp ngành điện, các công ty thủy điện sẽ có lợi thế kinh doanh hơn so với các công ty nhiệt điện than.

Nguyên nhân là sản lượng điện của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina thường cao hơn khoảng 10-20% so với chu kỳ El Nino. Ngoài ra, chi phí sản xuất và giá bán điện của các công ty thủy điện cũng thấp nhất trong các nguồn điện.

Cụ thể, chi phí sản xuất điện của các công ty thủy điện chủ yếu nằm trong khoảng 400-600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100-1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.

Dựa trên số liệu thống kê và kết quả kinh doanh của EVN năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt dự báo rằng EVN sẽ cần phải tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% (tương đương 100 đồng/kWh) trong năm 2024-2025 để có thể hòa vốn.

Trước đó, vào tháng 5/2024, EVN đã được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 5/2024 QĐ-TTg, thay vì 6 tháng như trước đây. Điều này tạo điều kiện cho EVN giảm bớt áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán điện cho các công ty thủy điện.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo chu kỳ 3 tháng, giá điện chỉ được phép tăng khi các chi phí đầu vào tăng tương ứng ở mức 3%, 5% hoặc cao hơn. Quyết định điều chỉnh này sẽ được xem xét và phê duyệt bởi các cấp thẩm quyền khác nhau.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024