ISSN-2815-5823
Diễm Quỳnh
Thứ năm, 15h22 18/07/2024

Đằng sau câu chuyện "báo lỗ" của các ông lớn: Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines ra sao?

(KDPT) - Lãnh đạo Vietnam Airlines vừa đưa ra tiết lộ đáng chú ý về kết quả kinh doanh nửa đầu năm, ám chỉ sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của quý II/2024.

Những con số biết nói

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines đã thông tin lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay trên báo cáo tài chính hợp nhất hơn 4.600 tỷ đồng.

Theo những số liệu nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, con số này cho thấy hãng hàng không quốc gia vẫn tiếp tục duy trì trạng thái lãi sau khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.528 tỷ đồng trong quý I/2024. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của quý II. Ước tính sơ bộ, Vietnam Airlines chỉ lãi trước thuế gần 100 tỷ đồng trong quý II.

Đây có thể là một tín hiệu u ám cho những ai đang kỳ vọng hãng hàng không quốc gia sẽ tiếp tục "tung cánh" sau quý I bùng nổ. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN cũng tụt dốc không phanh sau chuỗi tăng dựng đứng từ tháng 4/2024. Trong 3 phiên gần nhất, cổ phiếu này giảm 16%.

Ông Hòa chia sẻ rằng, sau hơn 3 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã trải qua nhiều thử thách. Nợ phải trả của hãng đã vượt quá tài sản từ quý đầu tiên của năm 2022, dự kiến sẽ phải đối mặt với khoản vốn chủ sở hữu âm hơn hơn 12.556 tỷ đồng và lỗ lũy kế lên đến 36.742,7 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines vào cuối quý I/2024 ở mức 24.401 tỷ đồng.

Ông Hòa bày tỏ hy vọng, công ty sẽ thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2025.

Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines từ năm 2019-2023.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines từ năm 2019-2023.

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh rằng, trong mức lợi nhuận hợp nhất 4.600 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm, có sự đóng góp quan trọng từ các chiến lược xoá nợ của các công ty con, đặc biệt là trường hợp của Pacific Airlines.

Vào tháng 3/2024, các chủ nợ quốc tế đã nộp đơn kiện Vietnam Airlines tại Tòa án Anh và công bố ý định sẽ tiếp tục hành động pháp lý nếu không đạt được thoả thuận về xử lý hợp đồng thuê máy bay của Pacific Airlines. Đối mặt với tình thế này, Vietnam Airlines kiên quyết và kiên trì từng bước đàm phán với các chủ nợ.

Cuối cùng, với chiến lược trả lại toàn bộ đội bay gồm 6 máy bay A320 đang thuê, Vietnam Airlines đã thuyết phục được các chủ nợ xoá nợ cho Pacific Airlines hơn 250 triệu USD, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng, đồng thời đồng ý rút toàn bộ đơn kiện tại Tòa án Anh.

Việc trả máy bay trước hạn là một phần trong chiến lược tái cơ cấu của Pacific Airlines. Đạt được kết quả như vậy đòi hỏi một nỗ lực đàm phán rất lớn từ phía Vietnam Airlines với các đối tác, nhằm giải quyết tình hình tài chính khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Các phương án này không chỉ giúp cải thiện bảng cân đối kế toán mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và ổn định của Pacific Airlines trong tương lai.

Mặc dù đã đạt được một số thuận lợi, ông Hòa vẫn cho rằng thách thức còn rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu tăng đã khiến chi phí của hãng tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể tỷ giá hối đoái cũng đã tăng 4,8% từ đầu năm đến nay, tạo thêm áp lực tài chính đáng kể.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines

Một thách thức lớn khác được đề cập là tình trạng thiếu hụt máy bay nghiêm trọng. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay đang hoạt động, giảm 32% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù số lượng máy bay giảm, số giờ bay của Vietnam Airlines vẫn tăng so với năm trước để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Vietnam Airlines tăng tối đa tần suất khai thác trên mỗi máy bay bằng cách tăng giờ bay đêm. Nhờ đó, hãng bị giảm 14 máy bay nhưng vẫn giữ được giờ bay tương đương với mức trước năm 2019 và tăng 26% so với giờ bay khai thác năm 2023.

Ông Hòa dự báo rằng, nửa cuối năm sẽ còn đối mặt với nhiều biến động khó lường, đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng nhanh chóng.

Khác với nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác, lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh rằng, hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với 120 hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Điều này buộc Vietnam Airlines phải liên tục nâng cấp dịch vụ, cải thiện chất lượng và đảm bảo an toàn bay. Hãng không chỉ phải duy trì mà còn phải vượt qua các tiêu chuẩn quốc tế để giữ vững thị phần và lòng tin của khách hàng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) được Chính phủ giao phó trách nhiệm quản lý và kinh doanh vốn, tài sản tại 19 tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Bên cạnh Vietnam Airlines, danh sách này còn bao gồm nhiều doanh nghiệp quan trọng khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và Tổng công ty Viễn thông MobiFone...

Theo CMSC, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tổng công ty, tập đoàn ước tính vượt mức 1 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% so với kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 56.874 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ.

Chủ tịch CMSC, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết rằng, Ủy ban đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ một cách đầy đủ và ngày càng chuyên nghiệp trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Ông cũng nhấn mạnh rằng CMSC đã khắc phục hiệu quả tình trạng trước đây khi nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ hoặc bị tồn đọng qua nhiều năm.

"Tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước...", ông Hoàng Anh thông tin.

Lãnh đạo CMSC cũng đã đề cập đến vấn đề cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo đó, vị này cho rằng việc cổ phần hóa không chỉ nhằm mục đích thu tiền về cho ngân sách nhà nước mà còn hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn của doanh nghiệp. Cổ phần hóa giúp thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm từ các nhà đầu tư tư nhân, qua đó tăng cường đội ngũ lãnh đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng 

Đằng sau câu chuyện

Chia sẻ thêm về những thách thức mà ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đang phải đối mặt, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết việc giá nhiên liệu bay tăng lên mức 102,7 USD/thùng trên thị trường thế giới đã đẩy chi phí nhiên liệu khai thác của hãng lên cao, tăng thêm 2.560 tỷ đồng so với thời điểm trước đại dịch.

Dù doanh thu hợp nhất của hãng tăng khoảng 30% vào năm ngoái lên 93.000 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn ghi nhận năm thứ tư liên tiếp lỗ ròng. Lượng hành khách tăng 16% lên hơn 24,1 triệu, nhưng đồng tiền yếu và giá nhiên liệu tăng đã làm giảm thu nhập.

Ngoài ra, với mạng lưới bay rộng khắp toàn cầu, Vietnam Airlines đang phải đối mặt với biến động của tỷ giá tiền tệ trên các thị trường, gây thiệt hại do ảnh hưởng của tỷ giá kép. Mỗi 1% thay đổi của tỷ giá VND/USD có thể khiến hãng mất hơn 270 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, khi tỷ giá tăng khoảng 4,8%, Vietnam Airlines đã mất hơn 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với thị trường Nhật Bản, trước đại dịch Covid-19, tỷ giá đồng yen Nhật dao động quanh mức 105 yen/1 USD. Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá đã giảm sâu xuống còn khoảng 157 yen/1 USD, thậm chí có thời điểm giảm xuống chỉ còn 165 yen/1 USD. Do đó, Vietnam Airlines cũng phải chịu tổn thất hàng trăm tỷ đồng từ doanh thu ở thị trường hàng không Nhật Bản.

Dự báo cho năm 2024, môi trường kinh doanh trong ngành hàng không vẫn đối diện với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, Vietnam Airlines đã đặt ra các mục tiêu chiến lược, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong chặng cuối của lộ trình phục hồi.

Hãng đặc biệt tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu với các giải pháp toàn diện nhằm tái cấu trúc tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và cải tiến quản trị doanh nghiệp, nhằm xử lý các tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, cho phép Vietnam Airlines gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng để giúp hãng vượt qua những thách thức ngay trước mắt. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian gia hạn tối đa là 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội). Dù vậy, các đại biểu quốc hội vẫn bày tỏ quan điểm gay gắt, yêu cầu cần tìm ra giải pháp cơ bản để thoát khỏi tình trạng thâm hụt.

Ông Đặng Ngọc Hòa đã cho biết, Vietnam Airlines đang tăng tốc hoàn thành báo cáo Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhằm phục hồi sớm và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn của Tổng công ty./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024