ISSN-2815-5823

Giá vé nội địa tăng kỷ lục thúc đẩy doanh thu các hãng hàng không Việt Nam

(KDPT) - Vietnam Airlines, Vietjet thi nhau "cất cánh" khi báo lãi và ghi nhận doanh thu kỷ lục. Liệu đây có phải kết quả của việc giá vé nội địa đang tăng nóng?

Lãi khủng quý đầu năm

Hầu hết các hãng bay nội địa đều ghi nhận doanh thu quý I/2024 tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Vietravel Airlines là hãng hàng không đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I. Hãng hàng không lữ hành này cho biết, trong 3 tháng đầu năm đạt doanh thu hơn 172 tỷ đồng, tăng 54% so với kế hoạch. Lũy kế quý I/2024, công ty thu trên 491 tỷ đồng, tăng trường 42%. 

Vietravel Airlines báo lãi ròng 10,1 tỷ đồng, ghi nhận lần đầu tiên có lãi sau 3 tháng kể từ thời điểm hãng có chuyến bay đầu tiên vào năm 2021.

Vietjet Air công bố lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 540 tỷ đồng. Hãng hàng không giá rẻ này đã khai thác gần 34.500 chuyến bay trong quý I, vận chuyển hơn 6,3 triệu lượt khách. Vietjet Air đã mở mới được 15 đường bay quốc tế và quốc nội, tổng số đường bay hiện tại là 140.

Hầu hết các hãng hàng không nội địa đều báo lãi trong quý đầu năm 2024.
Hầu hết các hãng hàng không nội địa đều báo lãi trong quý đầu năm 2024.

"Ông lớn" Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý vừa qua gần 28.270 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu thuần đạt gần 28.000 tỷ đồng, lãi gộp gần 4.100 tỷ đồng, tăng lần lượt là 19% và 108% so với cùng kỳ, đây cũng là quý có lãi gộp cao nhất lịch sử. Bên cạnh đó, biên lãi gộp đạt 14,6%, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Hãng bay giá rẻ của Vietnam Airlines từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát chưa từng ghi nhận lợi nhuận dương. Dù không công bố số liệu chi tiết, nhưng Vietnam Airlines cũng thông báo Pacific Airlines có lãi trong quý I/2024. 

Thông thường, quý I sẽ là giai đoạn kinh doanh thuận lợi của ngành hàng không vì rơi vào cao điểm Tết. Các hãng hàng không nội địa ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong năm nay, một phần nhờ giá vé nội địa được đẩy lên cao. Bên cạnh đó, việc thiếu tàu bay do phải bảo dưỡng động cơ khiến các hãng phải giảm chuyến bay nội địa, gây khan hiếm vé máy bay. 

Đợt cao điểm Tết năm 2024, hàng loạt đường bay đi từ miền Bắc, Trung vào miền Nam cháy vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia, tình trạng này kéo dài tới gần hết tháng Giêng, trong khi mọi năm qua Rằm thường giá vé đã hạ nhiệt. Giá vé phổ thông các chặng bay ở thời điểm này cũng neo sát mức trần (khoảng 6-7 triệu/vé khứ hồi).

Tình trạng thiếu vé máy bay khiến giá vé liên tục tăng cao. (Ảnh minh họa)
Tình trạng thiếu vé máy bay khiến giá vé liên tục tăng cao. (Ảnh minh họa)

Từ nửa cuối năm ngoái đến nay, các hãng hàng không ít tung ra vé giá rẻ (vé 0 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng...) cho đường bay nội địa nhằm kích cầu đi lại, du lịch như các năm trước. Hiện tại, giá vé thấp nhất (chưa gồm thuế, phí) cho đường bay từ Hà Nội vào TP.HCM là gần 640.000 đồng/chiều.

Từ ngày 1/3, trần giá vé máy bay nội địa trên phần lớn chặng bay tăng khoảng 5%. Trong đó, mức giá cao nhất cho chặng đường dài trên 1.280 km như Hà Nội - Phú Quốc là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với hiện hành. Việc này có thể khiến giá vé nội địa tăng thêm trong dịp cao điểm mùa lễ và cao điểm hè.

Giá vé chưa thể giảm

Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) của FCM Consulting đưa ra dự báo, giá vé máy bay toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng từ 3-7% và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Thời gian tới, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao hơn, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi ngành hàng không nội địa phải đối mặt với tình hình nâng cấp đội bay, bổ sung thuê, mua, bảo dưỡng tàu bay, thiếu hụt nhân sự, chi phí nhiên liệu và giá phục vụ tại các cảng hàng không đều tăng cao…

Hãng bay Tre Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, hiện chỉ còn 7-8 tàu bay, đã dừng khai thác những chặng bay ít hiệu quả. Pacific Airlines cũng trả hết các tàu bay từ cuối tháng 3 vừa qua. 

Vietravel Airlines còn lại 3 tàu bay, chỉ tập trung khai thác nguồn khách du lịch trong hệ sinh thái. Mới đây, hãng đã dừng các chặng bay đi từ Hà Nội đến Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn… hiện chỉ còn 3 chặng bay cho cả mùa hè này.

Vì vậy, trước mắt trong cao điểm hè năm 2024, vận tải hàng không nội địa sẽ phụ thuộc phần lớn vào Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trong khi ngay chính hai hãng này cũng thiếu hụt 40 tàu bay dòng chủ lực A321 vì đang bảo dưỡng, khiến nguồn cung vé máy bay nội địa thiếu hụt, giá bán chưa thể hạ nhiệt.

Vận tải hàng không nội địa đang phụ thuộc phần lớn vào Vietnam Airlines và Vietjet Air
Vận tải hàng không nội địa đang phụ thuộc phần lớn vào Vietnam Airlines và Vietjet Air

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay: “Dự báo đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027 thì động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới có thể hoàn thành việc khắc phục và hoạt động lại bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp tới lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên những đường bay nội địa, quốc tế năm 2024-2025”. 

Mới đây, vào ngày 3/5, Bộ Giao thông vận tải đã phát công văn yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ký và ban hành, công văn nêu rõ tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay.

Trường hợp phát hiện các bất thường, phải kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nhanh chóng vi phạm theo thẩm quyền; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai và niêm yết giá vé của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng giá vé tăng trái quy định./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024