ISSN-2815-5823

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản Việt Nam – Mông Cổ

(KDPT) - Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ”. Diễn đàn đã góp phần khẳng định những lợi thế vượt trội trong nông nghiệp của Việt Nam và Mông Cổ. Qua đó, bổ trợ nhau cùng khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Chuyến thăm đã nâng tầm mối quan hệ hai nước lên thành “Đối tác toàn diện”, mở ra những cơ hội, những hướng đi chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thực chất và phù hợp với nhu cầu phát triển của cả hai quốc gia.

Đặc biệt, lãnh đạo hai nước đã nhất trí các cơ chế hợp tác quan trọng về thương mại, khoa học và kỹ thuật. Qua đó, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối và phát triển. Và “Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ” được tổ chức là nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của lãnh đạo hai nước.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, diễn đàn là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Đây sẽ là cầu nối để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu tại diễn đàn.
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn, Chính phủ hai nước cũng sẽ chia sẻ các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả hơn. “Chúng tôi hy vọng những kết quả đạt được từ diễn đàn sẽ là nền tảng quan trọng để hai bên tiến xa hơn trong việc tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới”, ông Trần Công Thắng chia sẻ.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Công Thắng đồng thời cho biết, thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mông Cổ đã tăng gấp 2-3 lần, từ 41,5 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 65,5 triệu USD; hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.

Theo ông Trần Công Thắng, Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm phát triển ngành lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, trái cây nhiệt đới; là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, trái cây, thủy sản... Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về các sản phẩm thịt nhập khẩu, các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật, các chế phẩm từ thịt, cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác.

Trong khi đó, Mông Cổ có thế mạnh của ngành chăn nuôi truyền thống, có lợi thế sản xuất thịt dê, cừu và len chất lượng cao. Ngành chăn nuôi chiếm tới 83% sản phẩm nông nghiệp của Mông Cổ. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn trở thành biểu tượng của nền nông nghiệp Mông Cổ trên thị trường thế giới với các dòng sản phẩm về thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. “Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể bổ trợ lẫn nhau, mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu”, ông Trần Công Thắng nhận định.

Nhiều cơ hội hợp tác giao thương

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam - Mông Cổ trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu thịt dê, cừu vào thị trường Việt Nam; năng hợp tác trong chăn nuôi và giết mổ dê cừu giữa Việt Nam và Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm và cơ hội giao thương với thị trường Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu trái cây và cơ hội tại thị trường Mông Cổ; cơ hội hợp tác Việt Nam - Mông Cổ trong lĩnh vực dịch vụ; thúc đẩy tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Mông Cổ…

Bên cạnh đó, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về các hiệp định thương mại chung, từ đó thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác. Đơn cử như Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày 13/12/1999, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày 17/4/2000. Ngoài ra, hai nước còn có các bản ghi nhớ chung như bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại năm 2021, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, hợp tác văn hóa tháng 5/2022...

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn.

Ông Doãn Khánh Tâm - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ cho biết, thời tiết khí hậu của Mông Cổ thuộc xứ hàn đới nên chăn nuôi đại gia súc phát triển hơn nhiều so với ngành trồng trọt. Đặc điểm chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ là chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên rộng lớn; gia súc được ăn khoảng 3.000 loại thảo dược trên thảo nguyên mênh mông, chất lượng thịt thơm ngon.

Tuy nhiên, theo ông Doãn Khánh Tâm, giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam - Mông Cổ. “Mông Cổ hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ - Nga - Trung Quốc. Chính phủ Mông Cổ sẽ chủ động làm việc trước phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này. Khi đó, triển vọng về giao thông vận tải giữa Việt Nam và Mông Cổ trong tương lai sẽ tươi sáng hơn”, ông Doãn Khánh Tâm chia sẻ.

Tại diễn đàn, các đại biểu đồng thời khẳng định, tiềm năng hợp tác Việt Nam - Mông Cổ vẫn rất đa dạng, thông qua các dự án về đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến thịt, nghiền xương gia súc… Đặc biệt, vấn đề xử lý xương gia súc là vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Mông Cổ, được Chính phủ Mông Cổ rất quan tâm.

Trong một góc nhìn khác, Tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ quan điểm, mong muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu gia cầm sang thị trường Mông Cổ. Bà Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, San Hà đặt mục tiêu chính là cung cấp sản phẩm chất lượng cao và an toàn; xây dựng thương hiệu mạnh mẽ; thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các địa phương Mông Cổ. Công ty TNHH San Hà cũng hướng đến các quốc gia khác trong khu vực và toàn cầu, nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế; mong muốn hợp tác nhập khẩu các sản phẩm từ Mông Cổ.

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản Việt Nam – Mông Cổ - ảnh 3

Đặc biệt, bà Ngọc Hà kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biêt, đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, bên cạnh nông nghiệp, Việt Nam và Mông Cổ còn có tiềm năng hợp tác trong mảng du lịch. Mông Cổ vốn nổi tiếng với những nét văn hóa độc đáo để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch thiên nhiên hoang dã, văn hóa du mục. Việt Nam cũng có nền du lịch đang phát triển với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; du lịch làng nghề; du lịch không phát thải; du lịch nông thông gắn với sản phẩm OCOP… được khách du lịch Mông Cổ quan tâm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024