ISSN-2815-5823
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Thứ năm, 10h28 05/12/2024

Để du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên phát huy hết tiềm năng

(KDPT) - Du lịch cộng đồng là một xu hướng của du lịch bền vững, qua đó nhiều nét đẹp về văn hóa đã được gìn giữ và phát huy đồng thời góp phần đưa doanh thu của tỉnh Thái Nguyên trong lĩnh vực này đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Sự hình thành du lịch cộng đồng

Phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân để phát triển nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, đã thực hiện và đang tiếp tục triển khai trên phạm vi cả nước ở cả hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Trọng tâm của phát triển cộng đồng chính là phát triển con người vì con người là chủ thể quan trọng hình thành nên cộng đồng. Những tiến bộ về vật chất hay tăng trưởng kinh tế chỉ là một trong những kết quả của quá trình phát triển cộng đồng. Mục tiêu lớn nhất của phát triển cộng đồng là tạo ra những chuyển biến xã hội trong cộng đồng từ đó cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng, mang lại sự bền vững về môi trường. Hơn nữa, phát triển cộng đồng còn góp phần mở rộng và phát triển các nhận thức, qua đó nâng cao khả năng hợp tác, phát triển năng lực tự quản, giám sát của mỗi thành viên trong cộng đồng. Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) thử nghiệm thành công tại Việt Nam, mở ra hướng mới cho du lịch bền vững, đáp ứng không chỉ các yêu cầu tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo các mục tiêu văn hóa, xã hội, an ninh và bảo vệ môi trường - đang trở nên cấp thiết.  

Du lịch cộng đồng tại Mộc Châu.
Du lịch cộng đồng tại Mộc Châu.

Có nhiều định nghĩa về loại hình du lịch cộng đồng, theo Tiêu chuẩn Du lịch dựa vào Cộng đồng của ASEAN. Ban thư ký ASEAN, 2016 cho rằng, “Du lịch dựa vào cộng đồng là hoạt động du lịch do cộng đồng sở hữu và vận hành, được quản lý hay điều phối ở cấp cộng đồng, nhằm đóng góp vào việc nâng cao đời sống của cộng đồng thông qua hỗ trợ cải thiện sinh kế và bảo tồn các truyền thống có giá trị và các nguồn di sản thiên nhiên và văn hóa”. Dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa nhu cầu hiện tại và trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ tương lai, DLCĐ cố gắng hạn chế tối đa sự can thiệp vào tự nhiên và môi trường nhằm đạt mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và những tập tục tốt đẹp lâu đời của địa phương.

Ưu điểm của DLCĐ là tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho các cộng đồng địa phương, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa đồng thời có thể giúp thay đổi cơ cấu việc làm và cải thiện chất lượng lao động, từ đó hạn chế việc di cư từ nông thôn đến các đô thị; Mang lại chất lượng sống tốt hơn cho dân cư trên địa bàn, bất kể họ có tham gia vào hoạt động DLCĐ hay không, từ việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường; Góp phần duy trì, phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các vùng miền, địa phương và giữa Việt Nam với các nước khác. Đây là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn nghèo. Phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững nhằm thỏa mãn ba mục tiêu: Bền vững về kinh tế; về văn hóa - xã hội và tài nguyên và môi trường đồng thời thực hiện theo bốn nguyên tắc cơ bản bao gồm:  Bình đẳng xã hội; Tôn trọng văn hóa địa phương và các di sản thiên nhiên; Chia sẻ lợi ích; Sở hữu và tham gia của địa phương.

Yếu tố cấu thành tạo nên DLCĐ theo hướng bền vững gồm chính quyền, cộng đồng dân cư và các công ty du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể đầu tiên và có vai trò quan trọng cũng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch bền vững. Nhóm này có nhiều tiềm năng khi khai thác các hoạt động du lịch tại địa phương: Họ có sẵn nhà, có thể dành một phần khai thác nơi cư trú cho khách, phục vụ ăn uống, họ lên nương, làm rẫy giúp du khách trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày, họ có thể thổi sáo, biểu diễn văn nghệ, cung cấp nông sản, hàng thủ công, làm hướng dẫn viên, người vận chuyển…

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, du lịch cộng đồng đã được áp dụng ở nhiều tỉnh. Tính đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng ở các mức độ và hình thức khác nhau.

Tại Việt Nam cũng xuất hiện hầu hết các loại hình DLCĐ như: Homestay, Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, nông thôn, Du lịch văn hóa dân tộc. Nổi bật nhất của DLCĐ ở các địa phương là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa các dân tộc. Có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: Tham quan Bản Lác ( Mai Châu, Hòa Bình); tham quan Hang Táu, Tà Số (Mộc Châu, Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc…

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã phát huy thế mạnh của DLCĐ, trong đó người dân địa phương chủ động tham gia phát triển các dịch vụ du lịch từ việc cung cấp nơi ở, ẩm thực, vận chuyển, bán hàng lưu niệm… góp phần thay đổi diện mạo mới, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Một điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa.
Một điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa.

Tiềm năng và cơ hội cho Thái Nguyên

Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng cả nước với sản phẩm chè truyền thống mà còn có rất nhiều đặc sản như: bánh trưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, nem chua Đại Từ, tương nếp Úc Kỳ, đậu phụ Bình Long, bánh trứng kiến, bánh sừng bò, tôm cuốn Thùa Lâm, lòng nướng, nha… đồng thời văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh với nhiều điểm nhấn thú vị.

Hiện tỉnh quy tụ 24 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc của cả nước như dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông, Hoa... mỗi dân tộc đều mang những bản sắc văn hóa của riêng mình. Các điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay, giọng Then ngọt ngào, câu Sli, câu Lượn đắm say phảng phất mùi nếp nương, tiếng khèn Mông, tiếng sáo réo rắt, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc của người Nùng, kho tàng tục ngữ, ca dao của người Tày, đám cưới của người Dao với các nghề đan lát, rèn, làm giấy, làm đồ trang sức, ép dầu, dệt, nhuộm vải đồng thời có nhiều bài thuốc bổ, thuốc trị bệnh... cùng với rất nhiều huyền tích và lễ hội cổ xưa được duy trì như lễ hội đền Đuổm, lễ hội Cơm hòm, lễ hội cầu mưa, Lễ hội Lồng Tồng ATK ở Định Hóa, lễ hội Ooc’ bò của người dân tộc Nùng ở Đồng Hỷ hay nghi lễ cấp sắc của người Nùng…Tất cả là những “nguyên liệu quý” để phát triển DLCĐ.

Kinh nghiệm từ những đơn vị đi trước cho thấy, muốn đẩy mạnh các hoạt động DLCĐ, Thái Nguyên còn rất nhiều việc để làm. Hiện con số 6 địa điểm được cấp làm điểm DLCĐ tại tỉnh này là con số vẫn còn khiêm tốn và cần gia tăng về số lượng trong thời gian tới. Trừ điểm Điểm du lịch Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Tày, vinh dự là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới, các điểm DLCĐ còn lại tại Thái Nguyên cách làm vẫn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ.

Một số giải pháp

Về chính sách, cần xây dựng các chính sách một cách hiệu quả, trong đó thực thi quyền dân chủ trong cộng đồng một cách thực chất, chính sách xuất phát từ nhu cầu thực tế phát sinh nên tôn trọng và tạo bình đẳng để không bỏ sót quyền lợi của cộng đồng, tổ chức lấy ý kiến công khai, minh bạch đồng thời giải đáp thắc mắc kịp thời, thỏa đáng. Đối với cơ sở hạ tầng của Thái Nguyên hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bên cạnh đầu tư từ nguồn ngân sách, tỉnh cũng nên mạnh dạn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nguồn xây dựng, nhất là tại các điểm DLCĐ.

Thái Nguyên có thế mạnh về văn hóa, xác định văn hóa là điểm nhấn trọng tâm trong phát triển sản phẩm du lịch tại đây; tập trung khai thác về văn hóa sinh hoạt truyền thống cùng với các nghệ thuật biểu diễn dân gian, văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân bản. Cần duy trì đội văn nghệ để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời duy trì bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống. Khôi phục và biểu diễn, tái hiện các lễ hội vào những ngày cuối tuần để hấp dẫn du khách…

Xây dựng các công trình vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch: Tùy từng điểm cụ thể mà có thể dựng cây nêu để ném còn, đu quay hoặc một trò chơi dân gian ngay khu vực nhà cộng đồng của bản. Phát triển thêm dịch vụ về đêm: Đốt lửa trại, giao lưu văn hóa văn nghệ… Xây dựng mô hình trải nghiệm nghề làm mành cọ truyền thống của Định Hóa, dạy hát then, đàn tính.

Sản phẩm chè của Thái Nguyên cần quy hoạch lại. Trên cơ sở diện tích hiện có, nên “thiết kế” mang hơi hướng đẹp về thẩm mỹ, thuận tiện về đi lại, chụp ảnh… Không chỉ thiết kế tổng thể, mà từng các khu riêng lẻ nên đa dạng hình thức tránh trùng lắp… Mở rộng những khu trải nghiệm, xây dựng, tiến tới trình diễn thực cảnh về Thái Nguyên từ huyền thoại hồ Núi Cốc, các lễ hội đặc sắc, thu lượm và thưởng thức chè… Bên cạnh những sản phẩm chè hiện có, các điểm DLCĐ nên tăng trải nghiệm cho khách với những sản phẩm quà tặng là gói chè làm thủ công có in ảnh du khách trên bao bì…

Tăng cường liên kết với du lịch nông nghiệp nông thôn với những trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày, tìm ra điểm khác biệt, riêng chỉ có tại Thái Nguyên.

Với du lịch mạo hiểm và du lịch khám phá môi trường nên nghiên cứu và đưa vào khai thác bởi tiềm năng của Thái Nguyên là rất lớn, không chỉ tạo hứng thú cho du khách mà loại hình du lịch này thường cần thời gian tương đối dài, góp phần mang lại doanh thu lớn cho ngành du lịch bền vững.

Thêm vào đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm quà tặng, ngoài sản phẩm chè, Thái Nguyên cần nghiên cứu và đưa vào khai thác các sản phẩm có sẵn, tránh trùng lắp và tạo sự hấp dẫn cho du khách.

Cần đa dạng hóa các kênh truyền thông, bao gồm truyền hình địa phương và mạng xã hội, nhằm lan tỏa thông tin đến nhiều đối tượng hơn. Thái Nguyên cần kêu gọi mọi người cùng tham gia tuyên truyền, giới thiệu các điểm đến tới những người thân quen, giới trẻ có thể tổ chức quay video, livestream về các hoạt động DLCĐ. Trên các điểm công cộng, các tuyến đường giao nên quảng cáo pano nhằm thu hút du khách.

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động truyền thông cộng đồng thông qua các sự kiện như festival nghệ thuật và lễ hội để thu hút du khách, kết hợp với quản lý đồng bộ từ phía chính quyền để giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ, ngăn chặn tình trạng "chặt chém", cướp giật và các vấn đề tiêu cực khác, góp phần xây dựng một môi trường du lịch an toàn và thân thiện. Đẩy mạnh sự kết nối với các đơn vị thông tin truyền thông, các đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho những người tham gia DLCĐ.

Khắc phục những hạn chế đó, Thái Nguyên sẽ hiện thực được mục tiêu, đưa DLCĐ nói riêng, lĩnh vực du lịch nói chung thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm sắp tới.

                                                                                           ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Viện Xã hội học và phát triển
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/12/2024