ISSN-2815-5823

Đề xuất đưa phân bón và vật tư nông nghiệp vào diện chịu thuế VAT

(KDPT) - Việc áp dụng thuế, kể cả ở mức thấp có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế nhưng cũng có thể làm tăng giá đầu vào của nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân. Do đó việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) cần phù hợp với từng thời điểm để không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và nông nghiệp.

Vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng

Vật tư nông nghiệp là tất cả những sản phẩm và dịch vụ được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đây là những tài nguyên và công cụ cần thiết để trồng trọt, nuôi trồng, chăm sóc và bảo vệ các cây trồng, động vật nuôi, đất đai, nước và không khí trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Sử dụng các vật tư nông nghiệp phù hợp và hiệu quả có thể giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân và cải thiện đời sống của cộng đồng nông thôn.

Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam và không ngừng phát triển trong nhiều năm qua, đó là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Trong đó, phân bón là vật tư quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt trong khi ngành trồng trọt chiếm 64-68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam”. (Ảnh: Quang Khánh)

Nhằm thúc đẩy việc sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển ngành phân bón và vật tư nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý; đồng thời đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngày 7/12/2023, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội.

Triển khai chính sách thuế phù hợp

Chia sẻ về thực tiễn quy định về thuế đối với vật tư nông nghiệp, TS. Bùi Thị Mến - Chủ nhiệm Bộ môn Thuế, tài chính công - Học viện Ngân hàng cho biết: “Đề xuất sửa đổi một số quy định về thuế, chẳng hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để cho phép tính thuế GTGT khoảng 5% đối với vật tư nông nghiệp đã gây ra nhiều tranh luận gần đây”.

Nói về thực trạng của chính sách thuế với vật tư nông nghiệp, bà Mến cho biết, ngoài các trường hợp áp dụng thuế nhập khẩu thông thường thì hiện nay Việt Nam áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chia sẻ, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn phân bón và vẫn phải nhập khẩu các loại phân bón Việt Nam chưa tự sản xuất được.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). (Ảnh: Quang Khánh)

Theo ông Đạt, chính sách đưa ra cần có sự điều tiết hài hòa, đi từ những gì ưu việt nhất trong sản xuất nông nghiệp, để tất cả các thành phần tham gia đều có những lợi ích chung, bền vững, đặc biệt là nông dân. Chính sách thuế VAT là một trong những giải pháp để điều tiết được giá thành phân bón trong nước; tác động đến việc thay đổi thói quen, cách thức, quy mô sản xuất, công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất đem lại lợi ích cao nhất cho sản phẩm… Tuy nhiên ông Đạt cũng lưu ý: “Việc áp dụng thuế VAT cần phù hợp với từng thời điểm, để không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước nói chung và với nông nghiệp nói riêng.

Vật tư nông nghiệp đều thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất phổ biến tại Việt Nam (10%), trong đó chủ yếu là các đối tượng thuộc trường hợp không chịu thuế VAT. Từ năm 2015, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT ở tất cả các khâu kinh doanh (theo Luật thuế VAT năm 2008 sản phẩm này chịu thuế VAT 5%)

Hiện nay, Việt Nam có một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhân và lai tạo giống sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Đề xuất đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT

Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.

TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đưa đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do toàn bộ thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, nguyên liệu và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ vào giá thành sản phẩm mà phải tính vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành phân bón. Dẫn đến ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trực tiếp, cụ thể là nông dân Việt Nam; giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón trong nước.

Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, đặc biệt là nông dân sẽ được mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.

Từ đó, ông Ánh kiến nghị, cần có bộ chính sách về thuế xuyên suốt từ thuế GTGT đến thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân hay thuế tài nguyên đầu vào cho sản phẩm vật tư nông nghiệp hay thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VTA tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập, cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024