Đề xuất dừng vận hành, di dời Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình
Theo đánh giá của tỉnh Ninh Bình, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng và đi vào vận hành tổ máy đầu tiên từ năm 1974. Hiện nay, công nghệ đã cũ, lạc hậu, công suất nhỏ, hoạt động của cảng và các đường dây xuất tuyến ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch đô thị Ninh Bình.
Trên cơ sở đó tỉnh Ninh Bình đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lộ trình sớm dừng hoạt động đối với Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình để thực hiện quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đề nghị tập đoàn không tiếp tục đầu tư nâng cấp Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Đồng thời, xem xét, thống nhất với tỉnh về phương án dừng hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG hoặc dự án năng lượng công nghệ sạch ở vị trí khác trên địa bàn để thay thế cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình khi ngừng hoạt động.
Đối với các dự án điện không còn phù hợp, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với tỉnh Ninh Bình rà soát đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa ra khỏi quy hoạch điện và không tiến hành triển khai thực hiện để tiết kiệm chi phí đầu tư và quỹ đất của địa phương.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 28/12/2024 về việc phê duyệt bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ triển khai Dự án Nhà máy điện linh hoạt với công suất 300 MW, thời gian triển khai dự án từ năm 2026-2030. Theo dự kiến, dự án sẽ được triển khai trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Liên quan đến Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, mới đây Công ty TNHH Năng Lượng REE đã đăng ký bán toàn bộ 3,8 triệu cổ phần CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (Mã: NBP) từ ngày 17/1 đến 14/2 nhằm cơ cấu danh mục, lượng cổ phiếu tương đương với 29,45% vốn.
Chiếu theo giá 14.500 đồng/cổ phần kết phiên 15/01 của NBP, ước tính công ty con của REE Corp (Mã: REE) có thể thu về số tiền khoảng 55 tỷ đồng. Đây là cổ đông lớn thứ hai tại Nhiệt điện Ninh Bình, sau EVN Genco3 (Mã: PGV) (54,76% tại cuối 2023). Ông Phong Danh, Thành viên Hội đồng quản trị Nhiệt điện Ninh Bình là người đại diện phần vốn góp của Năng Lượng REE.
Tại cuộc họp cổ đông bất thường hồi tháng 10/2024, công ty có một thay đổi về thành viên hội đồng quản trị. Theo đó, ông Vũ Quốc Trung được bổ nhiệm thay thế ông Trịnh Văn Đoàn cho nhiệm kỳ 2024-2029.
Về kết quả kinh doanh gần nhất, Nhiệt điện Ninh Bình báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý III/2024, trong khi cùng kỳ lỗ 2,4 tỷ đồng. Công ty giải trình do thực hiện kế hoạch đại tu tổ máy khiến sản lượng điện giảm, đồng thời giá bán điện cố định năm 2024 thấp hơn so với 2023.
Đây là quý lỗ thứ hai liên tiếp trong năm. Lỗ lũy kế 9 tháng đầu 2024 là gần 6 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 hơn 6 tỷ đồng, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9/2024 là số dương (hơn 750 triệu đồng).
NBP kém thanh khoản trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân phiên qua một năm chưa đến 2.000 đơn vị. Thị giá ghi nhận tăng 26% qua một tháng gần đây (đến 15/01).
Về phần Năng Lượng REE, công ty này mới đây còn có động thái thoái vốn tại một đơn vị khác là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC). Năng Lượng REE bán 250.000 cổ phần PPC từ 16/12/2024 đến 13/1, hạ sở hữu về 64,5 triệu cổ phần, tương ứng với 20,1% vốn./.
- Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An công bố mức mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Ninh Bình: Trao tặng 80 di ảnh các Anh hùng liệt sỹ cho thân nhân
- Ninh Bình dự kiến chi gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội