ISSN-2815-5823

Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5-7,3%

(KDPT) - Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội nhiều mặt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5-7,3%.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng ở mức nào cần cân nhắc, đàm phán hài hòa, phù hợp (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng ở mức nào cần cân nhắc, đàm phán hài hòa, phù hợp. (Ảnh minh họa)

Phiên họp thứ hai năm 2023 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra vào ngày 20/12 đã thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5-7,3%, thời điểm tăng lương từ 1/7/2024.

"Hai mức đề xuất được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung để chốt được mức lương tối thiểu vùng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng từ 1/7 năm sau, việc điều chỉnh lương với người lao động là phù hợp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Thời điểm tăng từ ngày 1/7/2024 nhằm đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... theo Nghị quyết số 27.

Trong đó, phương án tăng 7,3 % sẽ tăng từ 250.000 đồng đến 320.000 đồng; còn phương án tăng 6,5% sẽ tăng từ 220.000 đồng đến 290.000 đồng.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm qua đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng. Vì lẽ đó, nếu mức lương thấp sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng như chi phí giáo dục tăng.

Đồng tình với việc cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động, song về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nói, mức tăng theo đề xuất của công đoàn chưa phù hợp với tình hình hiện nay.

"Chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, mức tăng như công đoàn đề xuất lúc này thì không thể", ông Phòng nhận định.

Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Kết thúc phiên họp thứ nhất, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo diễn ra vào quý IV năm nay, thay vì vào tháng 7, tháng 8 như thông lệ.

Tại phiên họp, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động đã trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Tại phiên họp này, công đoàn mong muốn mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng từ 5-6%.

Tại phiên họp thứ nhất, bộ phận kĩ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra đề xuất tăng lương tối tiểu vùng vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc từ ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc làm sao để lương tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu của người lao động./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024