Phát triển nông nghiệp sạch là xu thế tất yếu của ngành được xem là trụ đỡ nền kinh tế.
Phát triển nông nghiệp sạch là xu thế tất yếu của ngành được xem là trụ đỡ nền kinh tế.

Nhìn lại hành trình “xanh hóa” nền kinh tế

Năm 2022 đã khép lại với những thành tựu đẩy khả quan trên tất cả các lĩnh vực; Chính phủ đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 – năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) và của cả giai đoạn. Nhìn lại để thấy, năm 2022 là năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng “lũy kế” của đại dịch Covid - 19, tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Do đó, kết quả đạt được là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị, với sự đồng lòng, chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Vị thế, hình ảnh về một Việt Nam năng động và phát triển, giàu bản sắc không những được củng cố mà còn tiếp tục được nâng cao, vươn xa. Những thành tựu đó cũng đến từ nỗ lực “xanh hóa” nền kinh tế của nước ta trong một thập kỷ qua. Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2050. Sau 10 năm triển khai Chiến lược, nhận thức của người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Rõ nhất là trong sản xuất nông nghiệp, với xu thế sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phân bón hữu cơ được đưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước không ngừng tăng lên (từ 14 triệu tấn năm 2020, tăng lên 20 triệu tấn năm 2021). Tỷ trọng về phân bón hữu cơ trong tổng sản lượng phân bón cả nước đã tăng đáng kể so với năm 2017 (từ 6,3% tăng lên 23%); đã có hơn 4.000 sản phẩm phân bón hữu cơ (tăng hơn 8 lần); số nhà máy và công suất đều tăng (tương ứng 1,7 lần và 1,4 lần), sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp tăng gấp 2,5 lần. Hành trình “xanh hóa” nền kinh tế cũng ghi nhận với những chuyển biến ban đầu từ Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là “từ khóa” nổi bật được đưa ra trên các diễn đàn, trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị trong năm 2022. Soi chiếu những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vào dự thảo Thông tư quy định chi tiết danh mục chỉ tiêu thống kê Tăng trưởng xanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thì bức tranh tăng trưởng xanh của nền kinh tế vẫn nơi đậm, nơi nhạt.

Hành trình “xanh hóa” nền kinh tế cũng ghi nhận với những chuyển biến ban đầu từ “nâu” sang “xanh”; điển hình phải kể đến là nỗ lực của vùng mỏ Quảng Ninh. Với mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, trong hơn một thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và triển khai hàng loạt giải pháp ngắn và dài hạn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển sạch. Thực hiện Nghị quyết 236/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho môi trường để thực hiện bảo vệ môi trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, các chỉ số phát triển sạch của Quảng Ninh đạt khá cao; trong đó tỷ lệ che phủ rừng đạt 53- 54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%...

Quảng Ninh là địa phương tiên phong ban hành Bộ quy chuẩn bảo vệ môi trường trong các hoạt đọng kinh tế, hướng tới mục tiêu Tăng trưởng xanh. (Trong ảnh: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long)
Quảng Ninh là địa phương tiên phong ban hành Bộ quy chuẩn bảo vệ môi trường trong các hoạt đọng kinh tế, hướng tới mục tiêu Tăng trưởng xanh. (Trong ảnh: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long).

Kỳ vọng từ bộ Chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng về cơ bản, tăng trưởng của nước ta vẫn đang vận hành theo mô hình kinh tế tuyến tính, tức là dựa vào khai thác tài nguyên để tạo ra tăng trưởng, hệ quả là cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Lấy dẫn chứng trong lĩnh vực nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong nền kinh tế một chiều, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng là nguyên liệu đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính nhằm mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm. Nhưng năng suất càng cao cũng có nghĩa là tài nguyên càng bị khai thác nhiều. Đơn cử như biện pháp trồng sắn xen ngô của người dân thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm (huyện An Lưới, Thừa Thiên – Huế). Toàn thôn có 40 ha đất màu, trong đó có 30 ha chuyên trồng ngô. Ngô là cây trồng truyền thống, người dân thôn Pi Ây 1 cũng biết thâm canh, nên năng suất cây ngô đạt bình quân 50 tạ/ha; đưa tổng doanh thu từ 30ha trồng ngô của thôn bình quân đạt khoảng 750 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như sâu keo hại ngô gây thiệt hại năng suất, giảm thu nhập của nông dân. Ở huyện miền núi A Lưới, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện vì không có nắng để phơi, người dân lại chưa có máy sấy. Để tăng hiệu suất sử dụng đất, tiết kiệm công làm đất, cỏ và phân bón, người dân thôn Pi Ây 1 đã trồng sắn xen với ngô. Tuy nhiên, cách làm này khiến đất bạc màu, khô cứng, nghèo dinh dưỡng. Ở lĩnh vực được xem là động lực phát triển của nền kinh tế - kinh tế biển và ven biển, theo PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV, chúng ta vẫn ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi hải sản giảm sút, môi trường biển bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển bị suy thoái. Hơn nữa, các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Để phát huy vai trò là động lực của nền kinh tế, kinh tế biển và ven biển phải đạt mục tiêu phát triển bền vững trong thúc đẩy chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”
Để phát huy vai trò là động lực của nền kinh tế, kinh tế biển và ven biển phải đạt mục tiêu phát triển bền vững trong thúc đẩy chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giải pháp đầu tiên và rất quan trọng là cần làm rõ nội hàm của các khái niệm “kinh tế tuần hoàn” và “kinh tế xanh”, từ đó tuyên truyền và phổ biến nhân rộng cho toàn xã hội. Bởi theo ông Chinh, về tiêu chí, kinh tế tuần hoàn có tiêu chí của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tiêu chí của kinh tế xanh. Hơn nữa, chúng ta đang triển khai đồng thời “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” và “Đề án kinh tế tuần hoàn”; vậy cần làm rõ hai nội dung này để bổ sung và là tiền đề cho nhau. Điều này cũng có thể hiểu là, chúng ta đã nói nhiều về “kinh tế xanh”, “tăng trưởng xanh” nhưng hiện vẫn đang rất mơ hồ về các nội hàm của nó. Trước khi năm 2022 khép lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi động cho việc làm rõ nội hàm của các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững nền kinh tế từ việc xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chi tiết danh mục chỉ tiêu thống kê Tăng trưởng xanh. Đây là bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nhằm cung cấp số liệu giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước. Khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt bút ký ban hành Thông tư này, kỳ vọng từ năm 2023, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của các địa phương nói riêng, sẽ gắn với việc đánh giá mức độ Tăng trưởng xanh của nền kinh tế.