ISSN-2815-5823

Định hình một “Vũ Trung Nguyên”

Định hình một “Vũ Trung Nguyên”

(KDPT) – Có phép mầu nào giúp Đặng Lê Nguyên Vũ biến Trung Nguyên từ “zero thành hero”? Dĩ nhiên, chẳng có phép màu nào “phù trợ” cho “đế chế” cà phê này cả, mà theo Đặng Lê Nguyên Vũ: “Một doanh nghiệp muốn đi xa được phải có trách nhiệm xã hội. Trung Nguyên muốn đi xa phải có được hai nền tảng, một là thiện lành, hai là chí khí. Chứ chỉ tư duy kiểu con buôn thì không bao giờ đi xa được”.

Sau một thời gian dài giữa những vòng xoáy của thị phi, của những đồn đoán và dị nghị, mới đây Chủ tịch của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có buổi gặp gỡ và trải lòng với báo giới tại trụ sở chính của Trung Nguyên (82-84 Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sau nhiều năm “ẩn mình”, Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những chia sẻ, mà từ đó giúp“định hình” được rõ hơn một “Vũ Trung Nguyên” tràn đầy “năng lượng cà phê” với nhiều hoạch định táo bạo và đầy đam mê như Đặng Lê Nguyên Vũ của hơn 20 năm về trước.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có buổi gặp gỡ và trải lòng với báo giới tại trụ sở chính của Trung Nguyên ngày 13/8.

Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói đời ông có ba mục tiêu: 1- Đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu; 2- Đưa cà phê vào kỷ nguyên mới với một tuyên ngôn cà phê trong đó có phát kiến về định vị trung tâm của Việt Nam, dự án xây dựng thánh địa cà phê toàn cầu và chuỗi ngành cà phê mang lại 20 tỷ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam và 3- Nỗ lực hết mình cho khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu.

Điều thứ nhất, ông Vũ và Trung Nguyên đã làm được, và đang làm tốt hơn. Ngày 23/11/2017, Tập đoàn Trung Nguyên Legend chính thức khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Và hiện nay cà phê Trung Nguyên đã và đang được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông. Hơn 2000 cửa hàng nhượng quyền trong và ngoài nước đã góp phần “định hình” được thương hiệu toàn cầu của hãng cà phê này.

Với mục tiêu thứ 2, như Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo giới ngày 13/8/2018: “Việt Nam là nước số một về xuất khẩu cà phê robusta. Hãy nhớ điều đó. Chúng ta là nước số 1 về xuất khẩu cà phê. Muốn đưa cà phê đi xa thì phải có nền tảng triết lý của nó. Nhìn trà đạo của Nhật đi, không có lý gì mà Việt Nam không tạo ra đạo cà phê”. Có thể thấy sự “đeo đuổi” hạt cà phê, vị cà phê của vị doanh nhân này đã vượt xa những gì mà một doanh nhân đơn thuần có thể nghĩ tới.

Đó cũng chính là khởi nguồn cho mục tiêu thứ 3 của Trung Nguyên “khát vọng một Việt Nam hùng mạnh”. Để làm được điều đó, theo quan điểm của ông Vũ, sách là một phương tiện không thể tốt hơn. Ông nói “nếu không đọc rất nhiều, sao có thể hiểu bản thể, ngọn nguồn để sáng tạo, kiến thiết đất nước?. Trước đó, trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” mà ông cùng Trung Nguyên tiến hành trao tặng cho thanh niên cả nước, Đặng Lê Nguyên Vũ đã mở đầu như thế này: Có một số câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định là nỗi trăn trở đời người. Ấy là tại có người thành công – kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu – nước nghèo? Tại sao Việt Nam mãi nghèo?… Nước khác làm được sao nước ta không làm được? Những câu hỏi đầy ám ảnh của một người có khát vọng thay đổi định mệnh, khát vọng đưa Việt Nam trở nên hùng cường khiến bất kì ai khi nghĩ về một Việt Nam “nhỏ hay không nhỏ?” đều thấy bóng dáng mình trong đó.

Và để sách được nhiều người biết đến, thay vì phải mất rất nhiều tỷ đồng cho quảng cáo thì việc sắm siêu xe đã trở thành một phương thức quảng bá độc đáo đến nhiều triệu người. Trong khi đó, xe vẫn là tài sản của Trung Nguyên chứ không mất đi.

“Những cuốn sách quý đã được biết đến rộng rãi nhờ siêu xe. Vả lại muốn dạy người ta làm giàu thì phải thể hiện sự giàu có. Chọn siêu xe là vì thế” – ông Vũ tiết lộ.

Nói đến đây, một nữ phóng viên kinh tế đã khá thân với ông từ 5 năm trước, thốt lên: “Khi anh Vũ nói về marketing, em thấy nguyên vẹn hình ảnh anh Vũ 5 năm trước”.

5 năm trước là thời gian mà nhiều người cho rằng ông Vũ “lên núi học thiền” và từ đó có nhiều thay đổi ở ông khiến người ta hồ nghi về hoạt động quản lý, vận hành của Trung Nguyên. Nhưng Trung Nguyên vẫn đứng vững, bằng chứng là doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2009 – 2013 và giữ ổn định từ năm 2014 đến 2016. Trong ba năm này, doanh thu thuần của TNG đạt trên 3.800 tỷ đồng mỗi năm với lợi nhuận quanh mốc 800 tỷ đồng.

Sự trở lại của ông sau 5 năm vắng bóng trên truyền thông không những đã đập tan nhiều đồn đoán mà qua đây, Đặng Lê Nguyên Vũ đã lại một lần nữa cho thấy sức sáng tạo, ý chí của mình vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. 5 năm qua với quá nhiều thị phi và đồn đoán của chuyện gia đình, Đặng Lê Nguyên Vũ trở lại vẫn với những khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh mà ông và Trung Nguyên bằng cách này hay cách khác đang nỗ lực từng ngày để đạt được.

“Trung Nguyên 20 năm phát triển đâu còn tính mới nữa. Nó phải tái định vị và sắp đặt trên một triết lý, hệ quy chiếu khác, hệ quy chiếu sáng tạo, hệ quy chiếu năng lượng” – ông Vũ nói.

“Một doanh nghiệp muốn đi xa được phải có trách nhiệm xã hội. Trung Nguyên muốn đi xa phải có được hai nền tảng, một là thiện lành, hai là chí khí. Chứ chỉ tư duy kiểu con buôn thì không bao giờ đi xa được”.

Đi xa hơn trong kinh doanh là điều ai cũng mong muốn, là cái đích cho các doanh nhân. Nhưng đi xa hơn để “thực hiện trách nhiệm xã hội” như Trung Nguyên, như Đặng Lê Nguyên Vũ thì không hẳn mấy ai đã dám nghĩ và dám làm, mà làm rồi không hẳn được mấy người hiểu, người yêu mà có khi lại gán cho chữ “khùng”?!

Duy Khánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024