Doanh nghiệp cần thận trọng khi làm ăn với đối tác các nước tại Tây Á
Theo đó, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đối với các hợp đồng giá trị lớn, các đối tác tìm kiếm qua mạng. Trước khi tiến hành ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác.
Bên cạnh đó, cần chú ý các điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, có tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.
Đồng thời nên phối hợp với 1 đơn vị giám định độc lập khi tiến hành các thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp cần khẩn trương liên hệ đến các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện ngoại giao/thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để được hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 20/3/2024, Bộ Công Thương nhận được thư điện tử của một doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ một đối tác tại UAE nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.
Cụ thể, từ tháng 01/2024 đến tháng 02/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua hàng với đối tác UAE. Tổng lượng mua là 1.000 tấn nhựa PET, giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD giao hàng tại Hải Phòng theo hình thức CFR.
Đến ngày 13/3/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã thanh toán cho đối tác số tiền là 526.257 USD. Sau khi nhận đặt cọc, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai và nhập hàng vào kho, doanh nghiệp Việt Nam phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ.
Trong quá trình kiểm hóa, nhập hàng, doanh nghiệp Việt Nam có tiến hành với sự phối hợp của đơn vị giám định độc lập và dưới sự chứng kiến của Chi cục Hải quan ở địa phương.
Sau khi trao đổi với đối tác để cùng giải quyết sự cố, doanh nghiệp Việt Nam cho biết phía đối tác không có phản hồi tích cực. Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc.
Ngay sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE khẩn trương có Công hàm gửi các cơ quan chức năng ở sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với đối tác của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như lãnh đạo ngân hàng tiến hành giao dịch đề nghị hỗ trợ tạm giữ số tiền giao dịch giữa hai bên để làm rõ sự việc, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Trên tinh thần làm việc khẩn trương, quyết liệt và can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại UAE, đến ngày 11/4/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận lại đủ số tiền tạm ứng cho đối tác UAE và giúp công ty tránh được thiệt hại là 526.257 USD (tương đương với 13,4 tỷ đồng)./.
Để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, doanh nghiệp Việt Nam cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác; không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn của khách hàng mới quen trên không gian ảo.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ cũng đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế./.