ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư 2,84 tỷ USD ra nước ngoài

(KDPT) - Năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã được khẳng định với rất nhiều doanh nghiệp được thế giới biết đến như FPT, Viettel, CMC, VNG... song sự phát triển đó nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như các cơ hội mà quá trình chuyển đổi số đem lại.

Đó chính là lý do, ngày 17/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp số Việt Nam đi ra thế giới - Cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập” nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế.

Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó có gần 500.000 kỹ sư. Cơ cấu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2023, có khoảng 63% doanh nghiệp làm về phần cứng, điện tử, 17% doanh nghiệp làm về phần mềm, 14% doanh nghiệp làm về buôn bán, phân phối CNTT…

Hội nghị “Doanh nghiệp số Việt Nam đi ra thế giới - Cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập” .
Hội nghị “Doanh nghiệp số Việt Nam đi ra thế giới - Cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập” .

Khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cũng đang đào tạo nhóm ngành CNTT. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT cũng bổ sung các chuyên ngành mới với xu hướng công nghệ toàn cầu như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Điều này cũng giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực công nghệ thông tin có tay nghề cao ở nước ta.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết, thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn, đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin ở nước ta thời gian gần đây đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tỷ trọng của ngành này còn rất nhỏ. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

Trong khi đó, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Việt Nam đang có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD, đầu tư sang 81 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam có 223 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, với tổng vốn đăng ký 2,84 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại cũng đang có xu hướng gia tăng.

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, Bộ TT&TT đang dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đó góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, còn các nguồn tài chính như: Ngân sách Nhà nước; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp; Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, doanh nghiệp; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vựv khoa học và công nghệ...

Tại Hội nghị, các chuyên gia đều có nhận định rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang có dư địa lớn để đầu tư ra nước ngoài, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đối tác lớn trên thế giới.

Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh việc kí các thỏa thuận về thương mại đầu tư, những văn bản hiện nay đã có sự điều chỉnh, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp của Việt Nam khi đầu tư kinh doanh sang nước ngoài.

Để tăng thêm cơ hội, không gian và dư địa cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ hơn, tại Hội nghị, các diễn giả đều cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua việc ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đối tác lớn trên thế giới. Tận dụng các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024