ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp đã tái cấu trúc như thế nào để tồn tại giữa lúc thị trường đang khắc nghiệt nhất?

(KDPT) - Ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, một loạt các doanh nghiệp xây dựng, địa ốc đứng trên bờ vực phá sản khi dư nợ tăng cao, tồn kho tăng mạnh, dòng tiền âm khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc với các định hướng chiến lược mới và trở thành giải pháp vượt khó trong lúc thị trường đi xuống.

Bên cạnh áp lực tài chính, môi trường khó khăn trong 2 năm qua là cơ hội để bộc lộ nhiều điểm thiếu sót trong cách thức tổ chức của doanh nghiệp. Giờ đây, việc tái cấu trúc để sinh tồn được ưu tiên hàng đầu.

Có rất nhiều biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn như: tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; Tăng cường hợp tác đầu tư; Tăng cường đào tạo, cải thiện chất lượng nhân sự; đẩy mạnh đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ; Tinh gọn bộ máy nhân sự; Tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính mạnh; Cắt giảm chi phí…. Nhưng không phải doanh nghiệp nào áp dụng các biện pháp tái cấu trúc đều thành công vì mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh và phương pháp tái cấu trúc đạt hiệu quả sẽ khác nhau.

Đơn cử tại Tập đoàn Novaland đang nỗ lực thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải cốt lõi như bán lẻ, giải trí, thời trang hay thu hẹp mảng F&B. Tập đoàn cũng bắt tay cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới để giúp tái cấu trúc bộ máy, vạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, Novaland đã thông qua nghị quyết điều chỉnh số lượng Thành viên Hội đồng quản trị từ 7 xuống 5 và tiến hành bầu cử lại thành viên. Do đó, việc thay đổi này cũng nằm trong đề án tái cấu trúc của doanh nghiệp. Novaland sẽ tinh gọn bộ máy, sơ đồ tổ chức có nhiều sự thay đổi, có sự tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập, giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành, từng cá nhân được giao quyền và trách nhiệm rõ ràng.

Về các khoản nợ, công ty thực hiện chào bán cổ phiếu để tái cơ cấu nợ, tăng vốn.

Ngoài ra, Novaland cũng đã đi tới những ký kết biên bản thỏa thuận với Ngân hàng MBBank và các công ty xây dựng như Hòa Bình, DIC, CC1, Handong, Vân Khánh, Coma9… để hợp tác triển khai lại các dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết. Và trước đó, vào 19/4, Novaland cũng ký kết thỏa thuận cùng TPBank và Ricons để triển khai xây dựng hoàn thiện dự án The Grand Manhattan (Quận 1, TP.HCM).

Không chỉ Novaland, trong số 12 doanh nghiệp bất động sản từng lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa thời đỉnh cao cuối năm 2021, chỉ duy nhất Becamex IDC (BCM) không bị thụt lùi. Phần lớn các cái tên còn lại đều đã bốc hơi hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng vốn hóa sau hơn 1 năm gặp khó khăn trong thị trường vốn... Những doanh nghiệp này cũng bước vào đợt tái cấu trúc lớn về nhân sự, tài chính, sản phẩm... để vượt qua khó khăn hiện tại và mở ra chu kỳ tăng trưởng mới.

Còn tại các nhà thầu xây dựng, trong đó, các ông lớn như Hòa Bình, Coteccons, Hưng Thịnh Incons,… cũng tích cực thực hiện tái cấu trúc đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đi theo hướng mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng trên thị trường quốc tế. Hòa Bình đã ký kết với Cubacons – tập đoàn xây dựng lớn nhất Cuba, tiến tới hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và sản xuất vật liệu xây dựng; đến việc thâm nhập thị trường Mỹ bằng thỏa thuận hợp tác với Công ty Keystone (Mỹ), để xây dựng 5 dự án mà Keystone đầu tư phát triển tại California và Oregon.

Còn tại Coteccons – một trong những nhà thầu xây dựng lớn trong nước đang thực hiện chủ trương kết hợp tối ưu cả định hướng đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dựa trên nguồn lực hiện có. Đối với định hướng đầu tư dài hạn, Công ty sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang các lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, CTD chủ trương cung cấp vốn lưu động cho các sản phẩm Finance & Build, đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tối ưu dòng tiền nhàn rỗi.

Riêng với Hưng Thịnh Incons (HTN), doanh nghiệp này cũng đang quyết liệt tái cơ cấu cùng với chiến lược mới để tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, bên cạnh vai trò tổng thầu xây dựng, đại diện HTN cho biết đang nghiên cứu định hướng mở rộng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

Có thể thấy, chưa bao giờ, thị trường bất động sản được nhìn nhận đúng vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế như bây giờ. Chính phủ coi trọng việc điều tiết, khôi phục thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi phát triển lành mạnh và ổn định thị trường bất động sản là vấn đề cốt yếu để thúc đẩy và phát triển bền vững nền kinh tế.

Bên cạnh những chính sách tích cực đến từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng phải đưa ra các chiến lược hoạt động trong giai đoạn khó khăn để phục hồi kinh tế bằng biện pháp tái cấu trúc như nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện và phần nào đã cho thấy tín hiệu tích cực qua việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/12/2024