Doanh nghiệp đau đầu khi nhân sự chưa thực sự "hiểu" được trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến những gì?
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tận dụng đà chuyển đổi số cùng với AI. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm, từ 547 triệu USD (13,8 nghìn tỷ đồng) năm 2023 lên hơn 2 tỷ USD (50,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2032, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Đáng chú ý, giai đoạn 2023-2027 ở Việt Nam, 68% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến sẽ tạo thêm việc làm. Trong đó, 7 lĩnh vực công nghệ có tác động lớn nhất bao gồm công nghệ môi trường (65%), phân tích dữ liệu lớn (59%), trí tuệ nhân tạo (30%), điện toán đám mây (29%), các nền tảng và ứng dụng số (18%), công nghệ giáo dục và phát triển nhân lực (17%), IoT và các thiết bị kết nối (15%).
Đánh giá về xu hướng công nghệ, TS. Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, nếu như trước đây, phải mất cả thế kỷ hoặc hơn nữa để trải qua một cuộc cách mạng công nghệ, nhưng gần đây nhất, cuộc cách mạng công nghệ chuyển đổi số vào năm 2000 thì chỉ đến năm 2020, thế giới đã bước vào một cuộc cách mạng công nghệ mới. Như vậy, các cuộc cách mạng công nghệ đã đến nhanh hơn trước đây rất nhiều.
Cũng theo TS. Ái, đầu tư vào thị trường AI theo dự kiến trong năm 2024 khoảng trên 60 tỷ USD, con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2030, khoảng 200 tỷ USD. Đây là con số rất lớn và cũng cho thấy tiềm năng rất lớn cho Việt Nam. Ông Ái cho biết, AI cũng đã được ứng dụng cho tất các các ngành kinh tế, thông dụng nhất là ngành marketing kỹ thuật số, đặc biệt là với ngành dịch vụ tài chính…
Khó khăn vì thiếu thốn nguồn nhân lực có trình độ
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Công ty mạng và bảo mật CISCO, tỷ lệ DN Việt Nam sẵn sàng hoàn toàn cho việc áp dụng AI lại giảm từ 27% năm 2023 xuống còn 22% năm 2024. Điều này cho thấy các DN tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc triển khai và áp dụng AI. Để thu hẹp khoảng cách này, DN cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của nhân viên trong nhiều ngành nghề; đặc biệt là lĩnh vực nhân sự. Việc áp dụng AI không chỉ mang lại giá trị rõ rệt cho DN mà còn góp phần khuyến khích việc ứng dụng công nghệ này trên quy mô rộng hơn.
Thực tế trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, NVIDIA, Intel... Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác chưa được hiện thực hóa, các tập đoàn này phải tìm kiếm hướng đầu tư vào các thị trường khác do Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Việc thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao không phải là câu chuyện mới đây. Điều này được lý giải là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Bên cạnh các giải pháp về tập trung đổi mới công nghệ, các phương pháp đào tạo, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, nên phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học, để học sinh có thể tiếp cận sớm với những kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo nguồn nhân lực AI
Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam không chỉ được Chính phủ, các trường đại học quan tâm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư, ký thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ quốc tế nhằm đào tạo và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực công nghệ để bổ sung sự thiếu hụt.
Đơn cử, tháng 10 vừa qua, FPT Software đầu tư 125 tỷ đồng cho chương trình đào tạo hơn 3.000 nhân sự công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản. Khoản đầu tư được dùng để cấp học bổng cho sinh viên ICT học tiếng Nhật trong nước; học bổng trao đổi sinh viên tại Nhật Bản, triển khai đào tạo, giảng dạy tiếng Nhật tại các trường đại học...
Trước đó, Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) và Tập đoàn Máy tính Kyoto (KCG) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác (MOA) về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, Tập đoàn KCG và Tập đoàn CMC sẽ trao đổi mô hình giáo dục và kinh nghiệm quản lý để giúp CMC phát triển CMC Education (CMC Edu) trở thành tổ chức giáo dục toàn cầu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng giảng viên Viện ABAII cho biết, 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại kỹ năng từ nay đến năm 2025 để thích nghi với sự phát triển của AI và tự động hóa.
Theo ông Thành, AI không cướp việc mà đang tạo ra cơ hội việc làm mới. Đồng thời, AI còn mang lại mức thu nhập đầy hấp dẫn. Cụ thể, mức lương trung bình của kỹ sư AI hiện nay là 200.000 USD/năm, cao gấp 2,3 lần so với kỹ sư phần mềm thông thường.
Với các chuyên gia hàng đầu, thu nhập có thể đạt từ 500.000 - 800.000 USD/năm, trong khi các nhà khoa học AI xuất sắc tại OpenAI có thể nhận được mức lương lên tới 10 triệu USD/năm.
"Những con số này cho thấy AI không chỉ là xu hướng mà còn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại số hóa", ông Thành nhấn mạnh./.
- Doanh nghiệp cần ra quyết định chính xác và tối ưu hóa trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất
- Dạy con trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang phổ biến toàn cầu