Doanh nghiệp cần ra quyết định chính xác và tối ưu hóa trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến doanh nghiệp "chóng mặt"
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. Từ đó tạo sức ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định kinh doanh của các doanh nhân, nhà lãnh đạo kinh doanh.
Tại Hội thảo “Ra quyết định quản trị dựa trên dữ liệu và AI”. Sự kiện mang đến những góc nhìn mới mẻ về cách doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chiến lược quản trị" do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức ngày 15/10, TS. Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho biết: “Đứng trước cơn bão AI, sự phát triển của công nghệ ban đầu có thể làm ta hoảng sợ nhưng quan trọng là cần thấu hiểu và làm chủ công nghệ. Để tận dụng tối đa lợi ích của AI trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, đặc biệt là ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược từng bước triển khai phù hợp”.
"Ra quyết định quản trị dựa trên dữ liệu và AI là vấn đề đang được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới", TS. Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thách thức về việc quá tải dữ liệu cũng không là ngoại lệ với các doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty trong nước cũng đang phải chịu áp lực rất lớn khi chuyển các dữ liệu thành thông tin, bảo mật và kiểm soát được cách thức lưu trữ tất cả những thông tin đó.
Kinh tế đang từng bước phục hồi sau khó khăn
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế toàn cầu tạm ổn định sau một số năm đối mặt các cú sốc diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, triển vọng chưa khởi sắc mạnh do tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, củng cố ngân sách, tăng trưởng tín dụng chưa đột phá. Tăng trưởng đầu tư vẫn yếu, do lãi suất thực tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tăng trưởng toàn cầu dự báo tăng nhẹ, lên 2,7% giai đoạn 2025-2026, so 3,2% bình quân giai đoạn 2010-2019. Rủi ro toàn cầu vẫn hướng tiêu cực, do điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, tình trạng phân mảnh thương mại. Chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp tục bị các nền kinh tế phát triển trì hoãn, tùy thuộc tiến độ đưa lạm phát quay lại mục tiêu.
Đối với Việt Nam, xu hướng tổng thể 9 tháng đầu năm 2024 được cải thiện tích cực, trong đó, GDP ước tăng 6,82%, CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước phục hồi khó khăn, trong 9 tháng đầu năm có 183.000 doanh nghiệp lập mới và hoạt động lại (trung bình 20.300 doanh nghiệp/tháng), tăng 9,7% so cùng kỳ 2023; có 163.800 doanh nghiệp rút lui, (trung bình 18.200 doanh nghiệp/tháng), tăng 21,5% so cùng kỳ 2023.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam có đà và thế tốt nhưng căn cốt thị trường chưa thật vững; mở cửa, hội nhập quốc tế rộng và sâu nhưng thực lực cạnh tranh, nội lực kinh tế còn yếu; tiềm năng, lợi thế mạnh nhưng phát huy chưa đến tầm, chưa hết tầm. Do vậy, cần có những động lực mới, từ đổi mới thể chế và tầm nhìn.
“Về tương lai, tầm nhìn xa, Việt Nam đang có một cơ hội chưa bao giờ có, nhưng chính vì thế thách thức là rất lớn. Việc của chúng ta không phải là nhìn vào cơ hội theo cái nghĩa trừu tượng mà quan trọng là phải biến cái thách thức thành cơ hội thì như vậy mới có ý nghĩa” - PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Doanh nghiệp cần sự đột phá mạnh mẽ
Theo ông Đỗ Phúc Anh, Giám đốc Công ty CK Cloud Kinetics Việt Nam - nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi điện toán đám mây và dịch vụ quản lý, tăng trưởng dữ liệu hiện đang vượt trội xa so với tăng trưởng về mặt giá trị của dữ liệu.
Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ tỷ byte dữ liệu được tạo ra, nhưng trong khối lượng dữ liệu khổng lồ đó, việc xác định dữ liệu nào là hữu ích và doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra giá trị lại không hề đơn giản.
"Cái nhà quản trị, những người vận hành doanh nghiệp cần là thông tin cần thiết để phục vụ quá trình đưa ra quyết định trong kinh doanh", ông Đỗ Phúc Anh nói. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 32% doanh nghiệp nhận thức được giá trị mà dữ liệu có thể mang lại.
Những dữ liệu không được thiết kế theo cách chúng ta mong muốn và chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để xử lý làm sạch dữ liệu, đây là vấn đề thách thức đặt ra cho các nhà quản trị, nhưng thách thức này có thể được xử lý với sự hỗ trợ của AI.
Theo Giám đốc Cloud Kinetics, nền tảng dữ liệu tự động tích hợp công nghệ AI tạo sinh có thể giúp "mở khóa" các giá trị kinh doanh ở một số lĩnh vực truyền thống, chẳng hạn như bán lẻ (dùng AI phân tích dữ liệu về sale hay tồn kho, tăng cường trải nghiệm khách hàng, phân tích rủi ro...).
Ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA khẳng định, ra quyết định dựa trên dữ liệu đã trở thành một phần không thể thiếu trong quản lý tài chính, giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và điều chỉnh chiến lược kịp thời, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt trong việc hội tụ, hợp nhất dữ liệu nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu phong phú, chính xác. Việc ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp doanh nghiệp khai thác tối đa giá trị từ dữ liệu, cung cấp thông tin chi tiết, giúp ra quyết định tài chính chính xác và tối ưu hơn.
Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc công bố nghiên cứu sẽ là nguồn thông tin chính thống, nhất quán, đánh giá những tác động của nền kinh tế tới doanh nghiệp, hoạch định các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp đo lường sự thành công trong việc tạo ra lợi nhuận. Đánh giá khả năng cạnh tranh và đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến tài chính./.
- Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư gần 22 tỷ USD ra nước ngoài
- Điều kiện nào để được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ?