Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng công nghệ mới
Để phát triển bền vững, việc giải quyết một cách hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, chuyển sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được xem là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản: “mọi thứ đều là đầu vào của thứ khác”.
Với các doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng những nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí vào việc xử lý; tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu việc khai thác phung phí; hạn chế tối đa phát thải khí thải, chất rắn ra môi trường; tạo động lực đầu tư, đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất; giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên…
Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn dưới cấp độ doanh nghiệp trên thực tế cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm, các doanh nghiệp riêng lẻ.
Đơn cử như Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động theo kinh tế tuần hoàn trong những năm qua. Kể từ năm 2021, doanh nghiệp này chính thức trở thành thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam để chung tay xây dựng và phát triển hệ thống tuần hoàn cho vật liệu bao bì. Cụ thể, Ajinomoto Việt Nam đặt các biểu tượng “tái chế” trên bao bì để khách hàng có thể nhận thức được đay là bao bì tái chế.
Ông Hoàng Văn Quốc Chương - Phó Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đã tối ưu hóa việc tuần hoàn sử dụng nước trong quy trình trao đổi nhiệt. Vận hành hệ thống tháp giải nhiệt và hồ chứa nước riêng bên trong khuôn viên nhà máy để sử dụng tuần hoàn lượng nước làm cho mát hệ thống máy móc.
Doanh nghiệp đã chi ra hơn 100 tỷ đồng đầu tư vào máy móc ứng dụng công nghệ xử lý vi sinh hiện đại để giải quyết lượng nước thải từ các hoạt sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai cũng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất hiện nay. Cụ thể, nước thải sau khi được xử lý sẽ trong vắt và có thể tái sử dụng lại. Saitex International cũng là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có nhà máy giặt xử lý nước tuần hoàn với khoản đầu tư 1.500.000 USD, hệ thống tái sử dụng nước thải lên tới 99% và 1% còn lại xử lý cho bay hơi.
Heineken Việt Nam là một trong số ít công ty đã đạt được thành công nhất định trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Với mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Heineken Việt Nam hiện đang có 5/6 nhà máy nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Nhờ việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua khoảng 40.000 tấn vỏ trấu, các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, công ty đã hỗ trợ mang về thu nhập lên đến 52,6 tỉ đồng cho người dân địa phương trong năm 2019. Đây cũng là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn đã mang lại lợi ích lớn cho môi trường và cộng đồng, đồng thời đem đến giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương.
Trong khâu đóng gói của Heineken, 100% chai thủy tinh được tái sử dụng hơn 30 lần. Nhờ vậy mà tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đã đạt 97%, bên cạnh đó 100% chia thủy tinh hết hạn sử dụng hay bị vỡ vẫn tiếp tục được đưa vào tái chế. Két nhựa đựng chai bia được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều lần nhất có thể. Theo đó, những chiếc két bia của Heineken có thể sử dụng trong vòng 5 - 10 năm, sau đó được tái chế khi hết hạn hoặc hư hỏng.
Với các sản phẩm đóng lon, doanh nghiệp sử dụng lon nhôm và thùng giấy carton đều có khả năng tái chế lên tới 100%. Trong đó, 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton có thể tái sinh được.
Bên cạnh các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp trong nước cũng đang từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển bền vững.
Đơn cử như khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM từ vài năm nay đã vận dụng được khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, tức là chất thải của doanh nghiệp này trở thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Ví dụ, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân sẽ được chuyển vào quá trình sấy của nhà máy Meizan; Chất thải của công ty sản xuất khuôn đúc sẽ được chuyển sang làm gạch không nung, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác…
Theo các chuyên gia, để có thể thành công trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm môi trường; Tăng vòng đời sản phẩm, nguyên vật liệu; Tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải áp dụng mô hình này trong 5 giai đoạn: Một là cải tiến thiết kế sản phẩm, gia tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; Hai là quá trình sản xuất hạn chế hoặc không tạo ra rác thải; Ba là tiêu dùng có trách nhiệm; Bốn là quản lý rác thải; Năm là biến chất thải trở thành nguồn nguyên liệu giá trị qua việc tái sử dụng và tái chế.
Bên cạnh đó, cần gắn việc phát triển kinh tế tuần hoàn với chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với ứng dụng công nghệ mới, đổi mới, sáng tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, gia tăng giá trị sản phẩm, giảm phế thải cũng như khép kín chuỗi giá trị sản xuất./.
- PGS.TS Trần Đình Thiên: “Kinh tế xanh là không gian phát triển mới cho Việt Nam”
- Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững