ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp ngành xi măng lặn lội tìm lối đi

(KDPT) - Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong khi thị trường nội địa cung đang vượt cầu, doanh nghiệp xi măng đang bước qua giai đoạn vô cùng khó khăn.

Kết quả kinh doanh buồn

Khó khăn theo thị trường bất động sản, doanh nghiệp xi măng cũng gặp cảnh “điêu đứng” trong thời gian qua. Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường. Tuy nhiên, có vẻ vẫn chưa đủ mạnh để giúp ngành xi măng vượt khó.

Nguồn: VietstockFinance
Nguồn: VietstockFinance

Số liệu thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC từ quý 1/2024 thì chỉ có 1 doanh nghiệp có lãi tăng, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp lỗ chuyển lãi. Còn 11 doanh nghiệp còn lại vẫn đang kinh doanh thua lỗ trong đó 4 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ và 7 tiếp tục thua lỗ.

Có thể thấy, ngành xi mắng ngấm đòn từ đầu năm 2023 khi doanh thu giảm từ hơn 7.000 tỷ đồng (quý I/2022) xuống còn hơn 4,4 ngàn tỷ đồng trong quý đầu năm 2024. Đây là quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến sự thua lỗ của ngành xi măng.

Kết thúc quý I/2024, nhiều doanh nghiệp xi măng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Nguồn: VietstockFinance
Nguồn: VietstockFinance

Đơn cử Công ty CP Xi măng Hà Tiên (HoSE: HT1) đã ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 12,2% so với cùng kỳ đạt hơn 1.585 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 23 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 24 tỷ đồng.

Được biết Xi măng Hà Tiên đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khi lượng tiêu thụ giảm tới 19,4% trong năm 2023. Sang quý I/2024 tình hình cũng không mấy khả quan khi sản lượng xi măng bán ra đã giảm 6,43% so với quý I/2023. Đơn vị này cho biết, nếu tình hình trong các quý tới không được cải thiện trong năm nay thì doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Điểm sáng của HT1 đó là dù kết quả kinh doanh giảm sút nhưng đơn vị vẫn duy trì được thị phần so với ngành, lợi nhuận ghi nhận mức dương trong khi nhiều doanh nghiệp xi măng tư nhân khác lỗ. Biên lợi nhuận gộp của HT1 đạt 6,9% cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2023.

Không chỉ HT1, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 19% so với quý I/2023 đạt 690 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng (cùng kì năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng). Đây là quý lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ quý III/2022.

Nguồn cung xi măng vượt xa với nhu cầu, đã dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nguồn cung xi măng vượt xa với nhu cầu, đã dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

BCC cho biết, nguồn cung xi măng vượt xa với nhu cầu, đã dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều công ty tiếp tục thực hiện giảm năng suất thậm chí dừng lò nung. Năm 2024, BCC dự báo lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam đạt khoảng 20,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023 do chịu sự cạnh tranh nguồn xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

BCC cũng dự báo, ngành xi măng sẽ khó khăn khi nguồn cung cùng giá nguyên nhiên vật liệu vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi nhu cầu về xi măng đang dần thấp hơn xi măng rời. Điều này tiếp tục làm giảm đi lợi thế và thương hiệu xi măng của BCC đồng thời, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tương tự, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý I giảm từ hơn 666.589 tấn, xuống còn hơn 544.285 tấn tức 18,34% so với cùng kỳ năm 2023. Kéo theo doanh thu thuần bán hàng của doanh nghiệp này trong quý I/2024 xuống còn 515 tỷ đồng giảm 21,1%. Trừ đi các khoản chi phí, BTS đã lỗ ròng 55,5 tỷ đồng.

BTS nhận định, nguồn cung xi măng tiếp tục tăng so với nhu cầu, nguồn cung xi măng lên khoảng 122,5 triệu tấn do dây chuyền sản xuất xi măng mới dự kiến đưa vào hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ước tính chỉ ở mức 59,2 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023.

BTS cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tiếp tục cao cộng với sự dịch chuyển của người tiêu dùng từ xi măng bao sang xi măng rời khiến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty sản xuất xi măng.

Cũng trong quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng khác cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVN) lỗ 20 tỷ đồng, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) lỗ 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI (UpCOM: CQT) lỗ 6,3 tỷ đồng...

Thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I/2024, toàn ngành xi măng xuất khẩu khoảng 7,9 triệu tấn sản phẩm, thu về 298 triệu USD. Tuy sản lượng bằng với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá đã giảm 11,7%. Đà giảm xuất khẩu của xi măng đã kéo dài sang năm thứ 3.

Lối ra nào cho doanh nghiệp xi măng?

Xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi.
Xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự báo, xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi. Bản thân xi măng của Trung Quốc cũng bị dư thừa và được dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Trung Mỹ, Philippines, Nam Phi..

Trong nước, năm 2024, sản lượng xi măng sẽ tiếp tục trong cảnh cung vượt cầu, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60-62 triệu tấn. Chính vì vậy, kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp chú trọng nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng, vừa qua VNCA đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng 0%. VNCA lý giải, clinker xi măng không phải là đối tượng áp dụng khoản 23 Điều 5 của Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 146/20 17/NĐ-CP. Tuy nhiên, clinker xi măng xuất khẩu hiện nay được đưa vào nhóm hàng hóa chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Từ thực tiễn này, VNCA cùng các doanh nghiệp xi măng đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ xem xét việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng bằng 0%.

PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam
PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Về giải pháp dài hạn, theo PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, cần tăng cường được xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng cơ bản. Nếu làm được điều này mới có thể đưa nguồn cung ở trong nước lên tương xứng với trình độ cũng như sức phát triển của nền kinh tế hiện nay.

Từ góc độ chính sách, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là tháo gỡ chính sách.

“Nếu như áp dụng ở một số biểu thuế, khi chúng ta có thể giảm hay hoãn trong vòng 1 vài năm sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời, tiếp tục khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp thì đấy chắc chắn là sự trợ giúp rất quan trọng của nhà nước".​/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024