ISSN-2815-5823
Việt Anh - Thúy Khang
Thứ tư, 16h54 17/04/2024

Doanh nghiệp nỗ lực "xanh hóa" tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững

(KDPT) - Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Để có cái nhìn tổng quát về kinh tế xanh ở Việt Nam, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” vào sáng nay (17/4), tại Hà Nội.

Tiến bộ công nghệ đóng vai trò quan trọng

Tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện thông qua các chiến lược quốc gia và khung khổ pháp lý, cụ thể như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại diễn đàn.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại diễn đàn.

Kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Theo Tổng Giám đốc VOV, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

“Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường" - ông Đỗ Tiến Sỹ.

Cần giải bài toán nguồn nhân lực công nghệ

Phát biểu tại diễn đàn, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN cho rằng, đổi mới công nghệ là quá trình ứng dụng các ý tưởng, phương pháp, quy trình công nghệ mới hoặc cải tiến vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo ra giá trị mới.

Tại Việt Nam, đổi mới công nghệ chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng, cải tiến các công nghệ sẵn có, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn, công nghệ mới. Để đổi mới công nghệ đóng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về đầu tư, kết nối, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực sẽ cần được ưu tiên và chú trọng triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ông Chử Đức Hoàng, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực CNTT, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

Đổi mới công nghệ có vai trò quan trong để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Việt Nam đặt mục tiêu Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Các công nghệ năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối được ứng dụng rộng rãi. Sử dụng công nghệ sinh học, vật liệu sinh học, tái chế để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ số trong theo dõi, kiểm soát, xử lý chất thải, nước thải, khí thải. Ứng dụng tự động hóa, robot, điều khiển số trong sản xuất để tăng năng suất, giảm lãng phí.

Đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh, đề thực hiện được việc đó, theo ông Chử Đức Hoàng, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.

Tăng cường kết nối, liên kết thông qua thúc đẩy liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp; Xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ; Xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng

Ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, làm chủ công nghệ mới; Xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

"Đặc biệt cần nhận định, kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo", ông Chử Đức Hoàng nhấn mạnh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024