Mùa thu năm thứ 78 của nước Việt Nam mới, tháng 9/2023, dồn dập những sự kiện bang giao, hợp tác: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hoàng thái tử Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cu Ba thăm Việt Nam. Rồi Thủ tướng Việt Nam đến nước Mỹ, tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm Brazil, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Banglades và Bulgaria. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Tonga…

Doanh nhân Việt ngày nay là nhân vật trung tâm của thời kỷ nguyên số trong xu thế phát triển và hợp tác toàn cầu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Những sự kiện trên đã vẽ nên một bức tranh rất nhiều ý nghĩa về vị thế của Việt Nam ngày nay bởi tầm vóc của chính các sự kiện này. Việt Nam và Mỹ đã trở thành một cặp hợp tác song phương ở cấp cao nhất, là đối tác quan hệ chiến lược toàn diện.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Nước Mỹ trở thành quốc gia thứ 6, cùng với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trong số 5 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đã có ba nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

“Hợp tác kinh tế trên bình diện toàn cầu với vai trò tiên phong là các doanh nhân Việt, đã tạo nên những rường mối quan trọng để mở ra những quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, làm nên sức mạnh tự thân của chính các mối quan hệ ấy, để đương đầu và vượt qua các thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả trên thế giới, để cùng phát triển và vươn tới thịnh vượng chung”.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Việc bang giao với Tonga ghi dấu ấn Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 193 quốc gia trên toàn thế giới. Các mối quan hệ hai bên cùng hướng đến phát triển, cùng xây đắp những lợi ích quốc gia, là bình đẳng. Là nền kinh tế số một thế giới như nước Mỹ hay một quốc gia với dân số chỉ có hơn trăm ngàn người như Tonga, cũng cùng được trân trọng.

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứng khởi nói về mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như là một ấn tượng đẹp đẽ khó mà tưởng tượng là sẽ diễn ra từ cách đây mới vài chục năm. Rồi Thủ tướng Việt Nam sau đó, đã nhấn mạnh về hình mẫu chuyển biến tích cực trong quan hệ quốc tế, từ đối đầu, thù địch trở thành đối tác chân thành trong tin cậy chính trị.

Đất nước Việt Nam ngày nay đã được chào đón trân trọng, đã là một phần năng động và ổn định của toàn cầu để cùng hướng đến phát triển thịnh vượng.

***

Tôi nghĩ đến những doanh nhân Việt Nam trong mấy chục năm qua, bắt đầu từ sau thời kỳ tiến hành công cuộc Đổi mới đến hiện nay. Họ đã bền bỉ trong vai trò của mình mà vun đắp vị thế của đất nước trên bình diện toàn cầu. Mọi bang giao giữa các quốc gia có thể bắt đầu từ hòa hợp về văn hóa, từ tương đồng về lợi ích chính trị hay vị thế địa lý, nhưng muốn trở nên bền vững, bình đẳng thật sự thì phải là mối quan hệ hài hòa, tôn trọng, cùng có lợi về kinh tế trong liên kết và hội nhập.

Trong phát biểu sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Joe Biden đề cập đến một doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy ở tiểu bang Bắc Carolina tại Mỹ, mang đến cho nước Mỹ 7.000 việc làm cùng các lợi ích khác hay các công ty công nghệ tầm cỡ thế giới của Việt Nam đã và sẽ đượcniêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và hai nước sẽ có nhiều hợp đồng thương mại quan trọng được ký kết.

Nhiều doanh nhân Việt Nam được xếp hạng tỷ phú thế giới.

Tôi nhớ, Tổng thống Putin đã trân trọng dùng những từ ngữ rất đẹp để nói về một nữ doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp sữa Việt Nam đã xây dựng nhà máy và trang trại chăn nuôi bò sữa, làm thay đổi cả một vùng đất của nước Nga. Cũng như vậy, nhiều lãnh đạo từ các quốc gia khác như Israel, Australia… cũng đã nêu lên những nhận định ấn tượng về các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai những dự án hợp tác đầu tư với đất nước của họ.

Điều này đã chỉ ra rằng, hợp tác kinh tế trên bình diện toàn cầu với vai trò tiên phong là các doanh nhân Việt, đã tạo nên những rường mối quan trọng để mở ra những quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, làm nên sức mạnh tự thân của chính các mối quan hệ ấy, để đương đầu và vượt qua các thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả trên thế giới, để cùng phát triển và vươn tới thịnh vượng chung.

***

Không cần nêu ra cụ thể trong các phát biểu và nhận định của các nhà lãnh đạo nói trên, chúng ta cũng đã nhận ra những tên tuổi và doanh nghiệp Việt Nam đã đạt tới những dấu ấn thật đáng tự hào như vậy.

Trong vòng mấy thập niên vừa qua, đất nước đã phát triển và thay đổi rất nhiều với sự đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân. Những thay đổi ấy làm cho nhân dân vững tin vào chính nội lực phát triển của đất nước. Nhiều doanh nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay đã lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, đã đóng góp vào thế giới những kinh nghiệm mới về phát triển kinh tế.

Doanh nhân Việt ngày nay là nhân vật trung tâm của thời kỷ nguyên số trong xu thế phát triển và hợp tác toàn cầu. Họ mang trong mình những phẩm chất là kết tinh của các trào lưu, các cuộc cách mạng khoa học trên thế giới với những giá trị văn minh và tiến bộ mới, đồng thời tiếp nối những giá trị truyền thống từ mơ ước thịnh vượng, hùng cường của một dân tộc đã từng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, qua những cuộc canh tân khai mở trong lịch sử, để đồng hành cùng toàn cầu.

Những hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways… lọt vào danh sách các hãng bay uy tín thế giới. (Ảnh: VietnamPlus)

Trở lại với quá khứ, đất nước Việt Nam không chỉ có những trang sử oai hùng về đấu tranh, về đương đầu với kẻ thù xâm lược, mà còn là một xứ sở của văn hóa và là một đất nước của giao thương kinh tế với thế giới. Từ một thương cảng Vân Đồn mở ra trong khoảng thế kỷ XII, phát triển rực rỡ thời kỳ tiếp theo với những thuyền buôn của người Việt đi ra thế giới, và sau đó là thời của “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, những tàu hàng lớn từ Ấn Độ, Nam Dương, cho đến cả nơi xa xôi như Hà Lan và các nước Châu Âu đã đến cập bến bên bờ sông Hồng, lan tỏa hàng hóa khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ màu mỡ phì nhiêu. Rồi thời kỳ thương cảng Hội An và các cảng buôn ở phía Nam được khai mở cho đến đầu thế kỷ XX, hàng loạt các nhà tư sản dân tộc Việt Nam đã xuất hiện, bình đẳng và sòng phẳng cạnh tranh và kinh doanh thành công cùng các doanh nhân ở các quốc gia.

Đến thời hiện tại, dấu ấn của doanh nhân Việt đã trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Trong giao thương của thời hiện đại, người Việt không chỉ tiếp thu và hưởng thụ những thành quả thịnh vượng của thế giới, mà còn sáng tạo và đóng góp vào thành tựu kinh tế chung của nhân loại.

Những chiếc xe ô tô nhãn hiệu VinFast có khi còn được thế giới biết đến và sử dụng trước khi người Việt đưa nó lăn bánh trên đường phố hay những chiếc xe ô tô điện với công nghệ tiên tiến, tiêu biểu cho nền kinh tế xanh, cũng là của VinFast, sẽ thay thế dần cho những chiếc xe chạy xăng mang nhãn hiệu lâu đời, vốn là biểu tượng của hiện đại tại nước Mỹ. Nhiều loại ô tô của các hãng xe danh tiếng trên thế giới, qua hợp tác sản xuất với Tập đoàn THACO của Việt Nam, đã trở nên tối ưu hóa, được ưa dùng tại Việt Nam, rồi từ đó tiến vào thị trường Đông Nam Á và Châu Á.

Những hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways… lọt vào danh sách các hãng bay uy tín thế giới, đang sải cánh bay tới các quốc gia. Dòng sữa sạch mang nhãn hiệu TH true MILK, Vinamilk đã được hình thành mát lành trên các vùng đất ở nước Nga, ở Australia… Các kỹ sư công nghệ tin học phần mềm của FPT sánh vai với các kỹ sư ở Thung lũng Silicon, ở Ấn Độ để cùng sáng tạo, phát kiến… Rồi những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng vang danh trong các giải thưởng Travel toàn cầu của Sun Group tấp nập đón khách sang trọng khắp thế giới đến đây hưởng thụ…

***

Ngày nay, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Và nhìn từ phía doanh nhân, doanh nghiệp, chúng ta lại càng thêm thấm thía quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là khi doanh nhân, doanh nghiệp hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thịnh vượng thì sẽ góp phần làm cho đất nước cùng phát triển thịnh vượng.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Vào ngày 13/10/1945, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho giới Công Thương. Một bức thư với hơn 200 chữ, mà thành ra một văn bản kinh tế riêng biệt đầu tiên của Chính phủ mới giữa bộn bề đại sự. Văn bản ấy mang tính chất hiệu triệu: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Ngày nay, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Và nhìn từ phía doanh nhân, doanh nghiệp, chúng ta lại càng thêm thấm thía quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là khi doanh nhân, doanh nghiệp hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thịnh vượng thì sẽ góp phần làm cho đất nước cùng phát triển thịnh vượng.

Trong một bối cảnh quan hệ kinh tế toàn cầu, của thời đại số hóa như hiện nay, trước những sự kiện mang đến nhiều xúc cảm vui mừng trước dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, chúng ta càng trân trọng trước những thành tựu mới của giới doanh nhân. Doanh nhân là người dẫn dắt, truyền cảm hứng, là nhân vật trung tâm trong công cuộc kiến tạo đất nước của thời kỳ phát triển mới. Họ là những người: “Khơi dậy khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Khơi dậy khát vọng và phát huy sức mạnh con người trong phát triển đất nước chính là một trọng tâm của ba đột phá chiến lược được nêu lên đầy sức thuyết phục trong văn kiện trình bày tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

NHÀ THƠ NGUYỄN THÀNH PHONG