ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 06h00 25/06/2024

Đổi mới, sáng tạo trong không gian báo chí toàn cầu và một số gợi mở cho Việt Nam

(KDPT) - Tận dụng công nghệ cao để làm mới nội dung, tạo nguồn thu qua đó tạo đà phát triển là những gợi mở hữu ích cho các tòa soạn ở Việt Nam trong hoạt động kinh tế báo chí.
Các nền tảng mạng xã hội, kỹ thuật số đang phát triển bùng nổ. (Ảnh minh họa).
Các nền tảng mạng xã hội, kỹ thuật số đang phát triển bùng nổ. (Ảnh minh họa).

Cần phải thay đổi tư duy

Kinh tế báo chí là một ngành kinh tế khá đặc biệt. Những sản phẩm báo chí là một sản phẩm hàng hóa rất đặc biệt và nếu đặt trong cơ chế thị trường cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy luật của thị trường…Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh tế đến đối tượng khách hàng.

Các tòa soạn trong nước cũng như thế giới muốn tự chủ tài chính cần phải thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế báo chí. Đây là hoạt động thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi để tồn tại phát triển.

Trước tình hình doanh thu ngày càng giảm và chi phí sản xuất, phân phối thông tin ngày càng tăng, các cơ quan báo chí, truyền thông, hãng thông tấn đang tìm những phương thức sáng tạo để tăng doanh thu từ các sản phẩm của mình. Dù vậy, các tòa soạn vẫn có niềm tin về sự khởi sắc kinh tế báo chí trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024,ông Kah Whye Lee - Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới thông tin về cuộc khảo sát của WAN- IFRA (Hiệp hội Báo chí thế giới) trên 175 lãnh đạo báo chí, mặc dù có nhiều thách thức nhưng các lãnh đạo tỏ ra khá lạc quan với năm 2024 và còn lạc quan hơn ở dài hạn - trong khoảng 3 năm tới.

Về toàn cầu, các toà soạn chờ đợi có doanh thu tăng 15% so với 2022. Năm 2024, các toà soạn chờ đợi có tăng trưởng về doanh thu và tập trung nhiều về các nguồn doanh thu mới. Phần lớn doanh thu năm 2024 sẽ đến từ các cuộc bầu cử bởi một nửa dân số trên thế giới có các cuộc bầu cử trong năm nay, từ đó tạo ra tăng trưởng doanh thu cho báo chí.

Cũng theo ông Kah Whye Lee, doanh thu lớn nhất của báo chí vẫn đến từ quảng cáo, và vẫn có định hướng từ phát hành đến từ độc giả. Xu hướng đang được quan tâm là các toà soạn ngày càng tìm cách đa dạng hoá nguồn thu, bên ngoài doanh thu từ quảng cáo. Có nghĩa là các nguồn doanh thu mới ngày càng tăng lên.

Giám đốc khu vực Châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) cho biết, phần nhiều các cơ quan báo chí trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình đầu tư, ứng dụng công nghệ vào việc làm báo.Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đang bỏ qua việc đầu tư cơ bản về mặt công nghệ để ưu tiên cho những cải tiến mới. “Đôi lúc chỉ cần cơ quan báo chí làm được những cái cơ bản đã đem lại sự thay đổi lớn. Sau khi đã đầu tư bài bản thì việc đổi mới công nghệ sẽ càng dễ dàng hơn”, ông Lee Kah Whye nhấn mạnh.

Riêng với những cơ quan báo chí vừa và nhỏ,  Kah Whye tư vấn nên bắt đầu xây dựng mô hình tòa soạn từ những phần mềm, dữ liệu miễn phí: “Có những các cơ quan báo chí muốn chuyển dịch nhanh nên đầu tư thuê hệ thống lớn về công nghệ. Tuy nhiên do chưa hiểu, chưa làm chủ được công nghệ dẫn đến dễ trì trệ trong phát triển. Các cơ quan báo chí nhỏ và mới nên bắt đầu một cách từ từ để hiểu rõ mình đang thiếu gì, cần gì và điều chỉnh dần dần. Đó mới là hướng phát triển bền vững”.

Bước vào thời đại kỹ thuật số, rất nhiều cơ quan báo chí chịu áp lực nặng nề từ việc doanh thu sụt giảm; trước đây, thông tin từ khan hiếm trên báo chí truyền thống, nay trở nên dư thừa trong môi trường số. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các cơ quan báo chí, bắt buộc phải cải tiến các mô hình kinh doanh để tạo ra những nguồn thu mới để phát triển, phù hợp với xu thế của thị trường.Thực tế cho thấy thị phần quảng cáo và công chúng đang bị phân tán rất mạnh. Thị trường quảng cáo đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, gây sụt giảm đáng kể doanh thu của các cơ quan báo, đài.Trong kinh tế báo chí, nội dung là then chốt nhưng phải đồng hành cùng công nghệ. Nếu có nội dung tốt nhưng không có công nghệ, không có các lực đẩy nội dung lên đa nền tảng thì cũng không có công chúng.

Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “thế lực” truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt nhưng không có nền tảng công nghệ hiện đại, vẫn khó có thể thu hút được quảng cáo. Do vậy, báo chí cần phải thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại.

Theo báo cáo xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời. Thứ hai,các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, làn sóng trí tuệ nhân tạo. Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số,đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.

Tòa soạn báo The New York Times tại Mỹ.
Tòa soạn báo The New York Times tại Mỹ.

Trên thế giới, ấn phẩm New York Times là một trong những ví dụ thành công về xây dựng chiến lược chuyển đổi số dựa vào giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho dữ liệu không giới hạn của họ kết hợp với công nghệ hiện đại để sản xuất, phân phối nội dung. Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách…

Hướng đi không thể tách rời

PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay.

PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Trần Quang Diệu phân tích, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ. Từ ý tưởng, các nhà báo sẽ xác định dữ liệu, làm giàu dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, phân tích đánh giá rồi tiến hành trực quan hóa trước khi tiến hành xuất bản.

Đồng quan điểm, ThS. Trần Lệ Thùy - chuyên gia báo chí truyền thông cho biết, báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu,khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện. Báo chí dữ liệu là cách kể chuyện mới, đưa dữ liệu vào để có câu chuyện mới hấp dẫn người đọc và giúp người đọc dễ hiểu.

Vì vậy, các tòa soạn báo chí nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội.

Bàn về mô hình toà soạn số, PGS.TS Trần Quang Diệu nhận định, hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này,các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn,định hướng cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.

Theo nhà báo Ngô Việt Anh - Phó trưởng Ban điện tử Báo Nhân Dân, hiện nay, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như TikTok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung video thậm chí có nhiều người theo dõi và xem hơn cả các kênh báo chí chính thống trên TikTok. Để phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, cần đầu tư về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first. Đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo…

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, nhà báo Ngô Việt Anh cho biết, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Về công nghệ, các cơ quan báo chí cần phát triển mô hình toà soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Báo chí dữ liệu chính là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: Chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.

Để có được sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Do đó, để thích ứng với xu thế hiện đại, các cơ quan báo chí cần thay đổi phương thức truyền thông theo hướng hội tụ, tích hợp và chính những nhà báo,biên tập viên phóng viên, cũng phải đa năng hơn trong dòng chảy chung.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/07/2024