ISSN-2815-5823
Việt Anh - Thúy Khang
Thứ tư, 14h47 05/06/2024

Giải pháp đổi mới sáng tạo quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững

(KDPT) - Nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế là chiến lược của quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Thúc đẩy, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Với mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cho nỗ lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của doanh nghiệp Việt Nam, Diễn đàn “đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” đã được Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng nay (ngày 5/6).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030”. Trong đó, đặt ra mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index - GII 2023), Việt Nam có sự cải thiện khi tăng 2 hạng, từ vị trí 48 lên 46/132 quốc gia, nền kinh tế về ĐMST toàn cầu, đồng thời, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. Với thứ hạng trên, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua, đồng thời, là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Đánh giá về trình độ phát triển tương quan giữa các khu vực của Việt Nam, hiện nay, đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vẫn là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Startup Blink), 2 thành phố này nằm trong top 200 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu trong năm 2023 (TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 114, Hà Nội đứng thứ 174).

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại diễn đàn.
Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại diễn đàn.

Ngoài ra, với khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp ĐMST với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo thực sự chứng tỏ bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.

Hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực

Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng gia tăng về chất lượng, số lượng, điển hình như: Diễn đàn Quỹ Đầu tư đổi mới sáng tạo, Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam; Hợp tác với Google nâng cao năng lực số; Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư; Hỗ trợ không gian làm việc, hệ thống phòng Lab, kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư, trường đại học…

Hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực. (Ảnh minh họa).
Hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực. (Ảnh minh họa).

Đại diện của NIC cho rằng, hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực: Ngành nông nghiệp; Ngành dịch vụ; Ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông; Các vùng; với các nhóm giải pháp như: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo; Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Nhìn từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh, Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông…

Ông Vương Đình Vũ – Giám đốc BuyMed, Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số trong ngành dược phẩm. Theo đó, hiện nay, ngành Dược đang: Cung cấp nền tảng số và hạ tầng kỹ thuật giúp giải quyết triệt để vấn đề phân mảnh; Chuyển đổi sang mô hình phân phối mới và đầu tư vào năng lực chuyển giao, đồng thời, số hóa quy trình và đẩy mạnh phân phối trực tuyến. Nhờ đó, ngành Dược đã giúp các khách hàng là khoảng hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám, tiết kiệm 75% thời gian; 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.

Phát triển khoa học, công nghệ là nền tảng cốt lõi cho thực hiện chuyển đổi số

Quyết định số 569/QĐ-TTg nêu rõ quan điểm: “Phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia và các hệ thống ĐMST ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống”.

Theo đó, định hướng tập trung phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng và còn dư địa lớn, trong đó, bổ sung định hướng hoạt động ĐMST trong các ngành nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng, giao thông; các ngành dịch vụ và trong các vùng. Để xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, Chiến lược đã đưa ra các giải pháp bao gồm: phát triển hệ sinh thái ĐMST Quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST Quốc gia, các trung tâm ĐMST ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; triển khai mạnh mẽ các nền tảng ĐMST mở, mạng lưới ĐMST; tăng cường liên kết các mạng lưới ĐMST, mạng lưới khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm ĐMST.

Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận, nhằm tìm ra những giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/10/2024