ISSN-2815-5823
Lan Hương (tổng hợp)
Thứ hai, 08h20 09/09/2024

Dồn toàn lực khắc phục hậu quả bão số 3

(KDPT) - Chính phủ đã làm việc với các tỉnh, thành phố về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão và công tác ứng phó thiên tai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Thái Bình tập trung tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại về lúa và hoa màu.

Tiếp theo Nam Định, Thái Bình là địa phương thứ 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tới kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vào chiều 8/9.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)

Tại Thái Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát, kiểm tra công tác tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (huyện Kiến Xương); các diện tích lúa bị ngập ở huyện Thái Thụy; công tác phòng chống bão lụt và hoạt động trở lại sau bão tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy).

Tại các nơi điểm kiểm tra, thị sát, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu do hậu quả của cơn bão số 3 gây ra; đề nghị các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Liên Hà Thái bắt tay triển khai ngay các công việc sau bão, đúc rút các bài học kinh nghiệm tốt trong công tác phòng chống bão để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới;...

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Thái Bình đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 7h ngày 8/9 là 276 mm, một số nơi cao hơn như An Hiệp (Quỳnh Phụ) 451 mm, thị trấn Tiền Hải 375,8 mm, Thụy Trường (Thái Thụy) 370,7 mm.

Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, cơn bão không gây thiệt hại về người song một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều.

Đối với sản xuất nông nghiệp, về lúa, có 6.000 ha bị thiệt hại 30-70%; 5.000 ha bị thiệt hại hơn 70%. Về rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu Hè thu chưa thu hoạch, có 585 ha bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760 ha bị ảnh hưởng hơn 70%. Về cây ăn quả, có 1.215 ha bị ảnh hưởng 30-70%; 170 ha bị ảnh hưởng hơn 70%. 

Xảy ra sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Diện tích lúa bị nghiêng, đổ, bị úng ngập ước tính là 18.000 ha.

Về hệ thống điện, phần trung thế, có 4 tủ phân phối trạm điện, 6 máy biến áp, 25 cột trung thế gãy đổ, 7 cột trung thế bị nghiêng. Phần hạ thế, có 131 cột gãy đổ.

Khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thái Bình đã tập trung mở các cống tiêu nước; huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm tiêu, kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)

Chỉ đạo dọn dẹp cây đổ, rà soát toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở...) để bảo đảm giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão. Khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực như nước, viễn thông, môi trường; với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, song luôn bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa các hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường.

Rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Có phương án để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất.

Kiểm tra, rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão. Tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, khắc phục hậu quả của bão.

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm việc với tỉnh Hòa Bình về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão và công tác ứng phó thiên tai.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đang dồn toàn lực để khắc phục sớm nhất hậu quả bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đang dồn toàn lực để khắc phục sớm nhất hậu quả bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết: Địa hình Hòa Bình bị chia cắt; toàn tỉnh có 135 điểm nguy cơ cao về sạt lở, 13 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét. Tỉnh cũng có hơn 140 hồ đập xuống cấp; 15 tỉnh lộ có nguy cơ sạt lở,…

Chủ động ứng phó cơn bão số 3, lần đầu tiên tỉnh di dời hơn 1.300 hộ gia đình ra khỏi những nơi nguy cơ cao đến nơi an toàn; tỉnh cũng cho học sinh nghỉ đến hết thứ Hai (khi nước rút khỏi các ngầm tràn); dừng các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời…

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh phụ trách từng địa bàn, các lực lượng chủ chốt ứng trực 100% quân số, để ứng phó bão theo phương châm 4 tại chỗ.

Về vụ việc sạt lở xảy ra ở Đà Bắc làm 4 người tử vong, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ: Đây là một nỗi đau, nằm ngoài dự tính của cơ quan chức năng bởi "nhà xây kiên cố, ta luy thấp, cách ta luy 30 m; không thuộc khu vực nguy hiểm".

Tỉnh Hòa Bình đề xuất phải xây dựng chiến lược về phòng chống bão lũ và biến đổi khí hậu cho toàn quốc để đầu tư nguồn lực một cách tổng thể, tránh "ăn đong" trong công tác ứng phó thiên tai, nhất là khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Bắc.

Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc thiên tai, sạt lở… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát sạt trượt; giảm thiểu tác động của thiên tai đối với đời sống con người.

Đồng thời, có cơ chế chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, xây dựng khu tái định cư để di dân tập trung; hỗ trợ các tỉnh miền núi phía bắc xây thêm các cầu để thay thế các ngầm, cũng như đê kè chống sạt lở,… để giảm bớt nguy hiểm cho người dân.

ết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, cơn bão số 3 làm 17 người chết; nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề; Chính phủ đang dồn toàn lực để khắc phục sớm nhất hậu quả bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, giảm thiểu hậu quả do bão số 3 gây ra và kịp thời khắc phục hậu quả.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hòa Bình (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hòa Bình (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống thiên tai; kinh phí giúp người dân khôi phục sản xuất kinh doanh; bảo đảm thực phẩm… theo tinh thần không để người dân không có cái ăn, không có chỗ.

Về những việc cần làm, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường, "việc khắc phục sạt lở đường xá phải làm khẩn trương, hiệu quả".

"Phải khắc phục ngay, nhanh nhất hệ thống đường sá, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện,… bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời phải làm và sửa chữa ngay nhà cho người dân có nhà bị sập đổ, ảnh hưởng do bão. "Đã làm phải đàng hoàng và bảo đảm an toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải tập trung nghiên cứu, triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở hiệu quả để bảo đảm đời sống an toàn, ổn định lâu dài cho người dân…

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 tại tỉnh Hải Dương, một trong những địa phương mà tâm bão quét qua.

Bão số 3 đã gây ra không ít thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông của Hải Dương. Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng 10.000 ha lúa bị đổ; khoảng 1.600 ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600 ha cây ăn quả gãy, đổ.

Phó Thủ tướng đến thị sát, thăm hỏi đời sống, tình hình sản xuất của các hộ dân trồng dưa nhà lưới, nhà kính tại xã Phạm Trấn (tỉnh Hải Dương), xã có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 75,8 triệu đồng/năm.

Do ảnh hưởng của bão số 3, hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng dưa của xã bị hư hại nặng nề, để khôi phục lại thì phải mất ít nhất 1 tháng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại trường THCS Đoàn Thượng, một điểm trường bị thiệt hại nặng nhất của huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại trường THCS Đoàn Thượng, một điểm trường bị thiệt hại nặng nhất của huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ với những mất mát của các hộ dân của xã. Phó Thủ tướng cho biết, trước dự báo về độ mạnh của siêu bão, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại. Thủ tướng đã quyết định lập Sở chỉ huy tiền phương do một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp một khoản kinh phí hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh để khắc phục hậu quả của bão.

Tiếp đến, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại trường THCS Đoàn Thượng, một điểm trường bị thiệt hại nặng nhất của huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Phó Thủ tướng chia sẻ, thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo, học sinh của nhà trường nhanh chóng vượt qua khó khăn.

"Thủ tướng Chính phủ rất mong chúng ta nhanh chóng khắc phục để các em sớm trở lại trường học bình thường", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói và đề nghị tỉnh huy động lực lượng giúp đỡ nhà trường sửa chữa nhà lớp học bị tốc mái.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long tặng quà cho nhà trường (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long tặng quà cho nhà trường (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, sáng nay, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó lực lượng quân đội, công an làm nòng cốt, xuống tất cả các điểm trường trên toàn tỉnh (hơn 300 điểm trường bị ảnh hưởng) để dọn dẹp, sửa chữa. Tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại tất cả các điểm trường, điểm trường nào bảo đảm tuyệt đối an toàn thì mới đón các em đi học trở lại.

Đến 18h ngày 8/9, nhiều địa phương ở Hải Dương thông tin sẽ cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 9/9 để các trường khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Theo khảo sát nhanh trên địa bàn toàn tỉnh, đa số các trường đều có cây đổ, chủ yếu là cây xà cừ lâu năm và cây mới trồng. Nhiều trường có mái tôn chống nóng nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà bộ môn và lán để xe bị tốc mái. Một số trường bị đổ tường bao…

Do sáng vẫn có mưa nên từ chiều 8/9, nhiều trường mới huy động lực lượng tập trung để khắc phục. Khó khăn nhất là hệ thống cây lâu năm đổ gãy và mái tôn nhà lớp học nhiều trường ngổn ngang trên sân mất nhiều thời gian để xử lý. Do vậy sẽ có không ít trường phải cho học sinh tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 để khắc phục hậu quả.

Làm việc với UBND tỉnh Yên Bái chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn yêu cầu tỉnh Yên Bái xác định cơn bão số 3 đi qua nhưng hoàn lưu của bão tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vì vậy, tỉnh phải tiếp tục chủ động xây dựng, triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét,… do hoàn lưu bão gây ra.

Ngay sau khi Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 diễn ra tại Trụ sở Chính phủ sáng 8/9 kết thúc, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại tỉnh Yên Bái.

Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã kiểm tra thực địa tại huyện Yên Bình, thị sát nhà máy thủy điện Thác Bà.

Thăm hỏi và tặng quà người dân chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bà con đang phải đối mặt, đồng thời đánh giá cao chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác di dân với sự ủng hộ, phối hợp tích cực của nhân dân trong vùng.

Tại công trình thủy điện Thác Bà, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về lưu lượng nước hồ thủy điện tăng cao do mưa lũ và các giải pháp bảo đảm an toàn, duy trì phát điện, để không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với UBND tỉnh Yên Bái, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết do chịu ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 6/9 đến sáng sớm ngày 8/9 có mưa to đến rất to và dông. Mực nước trên các sông suối trong tỉnh xuất hiện lũ. Lũ trên sông Ngòi Thia đang lên nhanh, mực nước lúc 6h ngày 8/9 là 45,24 m (dưới BĐ2 là 0,26 m), hiện đang tiếp tục lên.

Kết luận cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn biểu dương và đánh giá cao Yên Bái đã chủ động phóng chống, ứng phó, kiểm soát tốt ảnh hưởng của cơn bão số 3, đặc biệt là kịp thời lập Ban chỉ đạo và triển khai tất cả chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ sớm. Cùng với đó là tập hợp, tổng hợp được các lực lượng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả của bão.

Qua khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thành Sơn cũng hoan nghênh tỉnh đã kịp thời di dân ra khỏi khu vực xảy ra lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng và điều kiện sinh hoạt cho người dân. Khi bão xảy ra, tỉnh đã có phương án xử lý, hậu quả ở mức kiểm soát được và di dân an toàn.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thị sát nhà máy thủy điện Thác Bà (Ảnh: VGP/Minh Ngọc)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thị sát nhà máy thủy điện Thác Bà (Ảnh: VGP/Minh Ngọc)

"Ban Chỉ đạo đã huy động lực lượng tổng hợp và sự tham gia tích cực, ủng hộ của nhân dân. Tôi đã gặp những gia đình được di dân đến nơi an toàn hơn và họ rất vui mừng. Có được sự chung sức, đồng lòng của người dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, nhiệm vụ nào cũng có thể hoàn thành", Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương cần kịp thời động viên, chia sẻ với gia đình có người bị nạn và thiệt hại về tài sản, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/10/2024