Bất động sản quanh dự án Vành đai 4 dịp cuối năm đang diễn biến thế nào?Tiềm năng tăng giá bất động sản vành đai, khu công nghiệp tích cực trong năm 2024

Điểm tên các doanh nghiệp trúng thầu dự án trọng điểm

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án gồm 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư  85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.506 tỷ đồng, đặc biệt dự án thành phần 3, có tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng sẽ được được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Về tiến độ, dự án được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Phối cảnh Vành đai 4 đi qua Hà Nội (Ảnh: TTXVN)
Phối cảnh Vành đai 4 đi qua Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án thành phần 2.1 là một trong 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 5.388 tỷ đồng, mục tiêu là đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận TP. Hà Nội với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km.

Dự án thành phần 2.1 có đến 20 gói thầu, trong đó có 4 gói thầu xây lắp. Giá mỗi gói thầu xây lắp có giá trị từ gần 900 tỷ đồng đến hơn 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, gói thầu xây lắp số 09 có giá trị dự toán 1.818 tỷ đồng; gói thầu xây lắp số 10 có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng; gói thầu xây lắp số 08 có giá hơn 994 tỷ đồng và gói thầu xây lắp số 11 có giá hơn 890 tỷ đồng. Thời gian thực hiện mỗi gói thầu là 36 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Cả 4 gói thầu đều đã được mở thầu. Mỗi gói thầu xây lắp chỉ nhận được hồ sơ một nhà thầu tham dự và tất cả đều dưới hình thức liên danh, không gói thầu nào có nhà thầu độc lập.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dài 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần. (Ảnh minh họa)
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dài 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần. (Ảnh minh họa)

Chi tiết hơn, gói thầu xây lắp số 08 có một nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Thịnh Vượng TVT - CTCP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên. Cả 3 thành viên của Liên danh nhà thầu từng trúng thầu thi công các công trình giao thông quy mô lớn trên cả nước như cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Tại dự án, Vinaconex là đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23 km (từ Km 13 + 17,92 đến Km 36 + 166,74). Gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP. Hà Nội. Giá trị trúng thầu 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1080 ngày. Ngay từ những ngày đầu, Vinaconex đã chuẩn bị các giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Thứ nhất, sử dụng nhân lực có nhiều kinh nghiệm. Thứ hai, huy động máy móc, phương tiện hiện đại với số lượng lớn để triển khai thi công. Thứ ba, phối hợp với các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công. Thứ tư, thi công cuốn chiếu, mặt bằng có đến đâu làm đến đó.

Với gói thầu số 10, nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Tập đoàn CASPI - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC - CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa. Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng là nhà thầu thi công nhiều công trình tại Hải Phòng. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Tại gói thầu xây lắp số 11, nhà thầu duy nhất tham dự là Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) - CTCP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - CTCP Sông Hồng. Trong đó, Cienco4 là tên tuổi quen thuộc, uy tín tại các công trường xây mới hoặc mở rộng đường băng, nhà ga ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Cam Ranh, Phú Bài, Đà Nẵng, Pleiku.

Vinaconex cam kết đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 4

Đại diện cho các nhà thầu tham gia thi công dự án, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, Vinaconex là một trong các thương hiệu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư bất động sản, có bề dày kinh nghiệm gần 35 năm, với đội ngũ nhân sự kỹ sư, người lao động chuyên nghiệp, trình độ cao và hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện đại. Vinaconex quyết tâm góp phần đưa dự án không chỉ về đích trước thời hạn mà còn bảo đảm chất lượng, an toàn.

Trong quá trình phát triển Vinaconex luôn là nhà thầu tiên phong trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thi công xây dựng các công trình giao thông (cầu, hầm, đường bộ…), những năm gần đây đã tham gia thi công nhiều công trình lớn với yêu cầu kỹ thuật cao, quy mô phức tạp và có tổng mức đầu tư lớn như: Dự án cao tốc Đại lộ Thăng Long; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới và mạng lưới đường bộ khu vực đoạn Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án xây dựng cầu Nhật Tân; Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; Dự án phát triển hạ tầng chính Khu công nghệ cao Hòa Lạc Vốn JICA, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, một số gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam (điển hình như các dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây...) cùng nhiều công trình khác của các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương trong cả nước được các chủ đầu tư đánh giá cao.

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex thay mặt các nhà thầu phát biểu tại lễ khởi công dự án. (Ảnh: Vinaconex)
Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex thay mặt các nhà thầu phát biểu tại lễ khởi công dự án. (Ảnh: Vinaconex)

Theo ông Đào Ngọc Thanh, dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia. Dự án đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án.

Bày tỏ mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến phát triển bền vững, ông Thanh nhấn mạnh: "Với năng lực, kinh nghiệm, sự tâm huyết, yêu nghề của những con người Vinaconex, với tinh thần làm việc "tận tâm vì giá trị thật" của tất cả các cán bộ, nhân viên, các nhà thầu thi công, tư vấn, chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao".

Được biết, sau khi hoàn thành, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực lớn của Trung ương và TP. Hà Nội, tin rằng Dự án Vành đai 4 sẽ đảm bảo đúng tiến độ, trở thành động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng, Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.

Giữa năm 2023, Vinaconex đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, bao gồm: Gói thầu XL04 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá trị 3.225 tỷ đồng; gói thầu số 14-XL đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, giá trị gần 2.500 tỷ đồng; gói thầu 03-XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, giá trị gần 2.300 tỷ đồng.

Vinaconex cũng đang triển khai một số gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, tiêu biểu như: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, giá trị 6.000 tỷ đồng; gói thầu XL01 đoạn Vũng Áng - Bùng, giá trị 3.900 tỷ đồng; gói thầu XL02 đoạn Vân Phong – Nha Trang, giá trị 3.500 tỷ đồng.

Vành đai 4 là dự án xây dựng tuyến đường phục vụ giao thông của Thủ đô Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Dự án có tổng cộng 6 làn xe chính với chiều rộng lên đến 120 m. Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng (nguồn vốn Ngân sách Nhà nước là 56.366 tỷ đồng, chiếm 66%, còn lại là vốn do nhà đầu tư 29.447 tỷ đồng chiếm 34%).

Vành đai 4 có chiều dài 136,6 km và chiều rộng là 90-135 m, tuyến đường này đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Bắc Giang. Trong đó, Hà Nội là thành phố có phần lớn đường Vành đai 4 đi với chiều dài 56,5 km, qua các quận, huyện gồm: Quận Hà Đông, huyện Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín. Trong đó, đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km; đi qua 5 xã Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa. Đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng dài 6,3 km; đi qua 5 xã, thị trấn Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và Phùng.

Đoạn qua huyện Hoài Đức dài khoảng 17,1 km; đi qua địa phận 12 xã gồm Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La.

Đoạn qua quận Hà Đông dài khoảng 5,5 km; có hơn 68 ha diện tích đất phải giải phóng mặt bằng, thuộc địa bàn 4 phường Phú Lãm, Phú Lương, Đồng Mai, Yên Nghĩa.

Trong khi đó đoạn đi qua Bắc Ninh có chiều dài là 21,2 km, bắt đầu từ xã Nguyệt Đức đến Quốc lộ 39 thuộc xã Trạm Lộ (huyện Thuận Thành). Đoạn qua sông Đuống nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (xã Nam Sơn) là điểm cuối cùng của tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tuyến đường qua Hưng Yên dài 20,3 km bắt đầu từ huyện Khoái Châu đi qua các huyện: Yên Mỹ, Văn Giang và Văn Lâm đến Quốc lộ 5 tại Km17+900.

Tuyến đường qua Bắc Giang dài 20,8 km được chia thành 1 tuyến chính và 3 tuyến phụ. Bắt đầu tại Quốc lộ 1 km129+200 (huyện Việt Yên) điểm cuối nằm ở cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú (huyện Sóc Sơn).

Đoạn qua Vĩnh Phúc là toàn bộ chiều dài còn lại đi qua TP. Phúc Yên, có tác dụng kết nối các khu vực trong và ngoài tỉnh hiệu quả.