ISSN-2815-5823

Dự kiến giảm 2% VAT đến nửa đầu năm 2024: Chính sách tác động đa chiều đến nền kinh tế

(KDPT) - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc gia hạn giảm 2% thuế VAT đến nửa đầu năm 2024 là chính sách kịp thời, cần thiết, tác động đa chiều đến nền kinh tế.
Hợp tác kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo: “Đừng nhìn vào máy móc, mấu chốt là con người”

Dự kiến giảm 2% VAT đến nửa đầu năm sau

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, việc giảm VAT dự kiến áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ, không được giảm VAT gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

dự kiến giảm thuế VAT 2%
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 2% đến giữa năm 2024 để phục hồi kinh tế. (Ảnh minh hoạ)

Sau 30/6/2024, Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định có tiếp tục giảm VAT hay không, tùy thuộc vào tình hình kinh tế lúc đó.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, mức giảm thu mỗi tháng đối với khâu nội địa là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.

Tác động đa chiều đến nền kinh tế

Nhìn nhận về chính sách kéo dài giảm thuế VAT đến nửa đầu năm 2024, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đời sống người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó coi thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2024.

Giảm 2% VAT
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc gia hạn giảm 2% thuế VAT đến nửa đầu năm 2024 là chính sách kịp thời, cần thiết. (Ảnh: HT)

Nói rõ hơn về ý nghĩa việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá điều này tác động đa chiều đến nền kinh tế.

“Doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào, họ có điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép chi phí tăng cao; từ đó tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn với người tiêu dùng, họ sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này bởi mua được hàng hoá rẻ hơn đồng thời tiết kiệm được 2% nên sức tiêu thụ mạnh hơn”, vị chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, dù việc giảm thuế làm thu ngân sách giảm nhưng chúng ta không nên bi quan. Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thu ngân sách chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, còn về mặt trung và dài hạn đây là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.

“Giảm thuế xuống thực chất là hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không bị thoái lui khỏi thị trường, có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của doanh nghiệp được quay trở lại thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững”, ông cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, giảm 2% thuế VAT giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng.

Trước ý kiến nên kéo dài chính sách giảm thuế đến hết năm 2024 thay vì nửa đầu năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc gia hạn đến nửa đầu năm sau là phù hợp. Bởi nếu giảm thuế quá lâu thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách - cán cân thu chi.

“Vì vậy, chúng ta cần phải cân đo, đong đếm để làm sao chính sách vừa phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách”.

Theo ông, có thể đo lường mức độ hồi phục của doanh nghiệp từ khoảng tháng 4 - tháng 5/2023, nếu thấy cần thiết thì có thể đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế tiếp./.

HẢI THU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024