ISSN-2815-5823

Hợp tác kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo: “Đừng nhìn vào máy móc, mấu chốt là con người”

(KDPT) - Theo quan điểm của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), điểm mấu chốt của việc chuyển giao công nghệ trong hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài không phải là dây chuyền, máy móc mà là trí tuệ, con người. Cách thức mà Việt Nam đang thực hiện là “cấy” người vào các trung tâm nghiên cứu phát triển của công ty nước ngoài để từ đó có được đội ngũ kỹ sư trình độ cao.

PV: Việt Nam đã có gần 40 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả đạt được là rất lớn, song cũng có những vấn đề quan ngại, đơn cử như nhiều dự án công nghệ lạc hậu. Ông có đánh giá như thế nào về việc này?

GS. Nguyễn Mại: Chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987, từ đó đến nay, FDI đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế: chiếm 53-55% vốn đầu tư toàn xã hội; chiếm 55% tổng sản lượng công nghiệp, đặc biệt là những ngành như dầu khí, lọc hóa dầu và các sản phẩm sau hóa dầu; đóng góp vào hình thành các ngành công nghiệp khác như cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử, công nghiệp bán dẫn. FDI đã thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam và người dân được thụ hưởng các thành quả của sự thay đổi này.

GS Nguyễn Mại
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Ảnh: HT)

Tất nhiên, FDI cũng có những mặt tiêu cực, bao gồm cả việc dự án có công nghệ thấp. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, vào những năm 1988-1991, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam chỉ khoảng 200 USD, hàng năm cần giải quyết việc làm cho khoảng 700-800 nghìn người. Trong điều kiện đó, chúng ta phải ưu tiên những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, những ngành công nghệ thấp. Rõ ràng, chúng ta không thể đòi hỏi cao khi điều kiện kinh tế xã hội còn thấp. Vì thế, chúng ta cần phải đánh giá một cách khách quan, lịch sử bao giờ cũng có giai đoạn, nếu dùng con mắt hiện nay để đánh giá lịch sử thì không phù hợp.

Từ giai đoạn 2000 trở đi, kinh tế Việt Nam bắt đầu khá hơn. Bấy giờ, chúng ta mới chuyển từ thâm dụng lao động sang thu hút đầu tư công nghệ hiện đại. Từ thập niên 2010 trở đi, chúng ta đã có quyền lựa chọn, ưu tiên cho những ngành công nghệ cao và hiện đại, còn những ngành nghề thâm dụng lao động chỉ còn dành cho những nơi chưa phát triển. Bằng chứng là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đã hình thành những ngành công nghệ hiện đại, các khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cho tới nay, chúng ta có khoảng 350 khu công nghiệp, khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao.

Tất nhiên, sự chuyển dịch chưa như mong đợi. Nhưng cũng cần lưu ý rằng bối cảnh thế giới trong giai đoạn nêu trên rất phức tạp, vì thế nếu nhìn thế giới như một hình phẳng thì sẽ không đánh giá đúng được.

Hợp tác kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo: “Đừng nhìn vào máy móc, mấu chốt là con người”
Công nhân nhà máy Samsung đang kiểm tra sản phẩm. (Ảnh: Samsung)

Một số nhà kinh tế cho rằng, FDI chưa có đóng góp nhiều cho tăng trưởng, thậm chí cạnh tranh, chèn ép doanh nghiệp nội. Con số minh chứng là FDI chiếm hơn 55% sản lượng công nghiệp, hơn 70% giá trị xuất khẩu. Song tôi cho rằng cách đánh giá đó chưa chính xác. Ví dụ như Samsung vào Việt Nam, đầu tư hơn 20 tỷ USD, mỗi năm doanh thu hơn 70 tỷ USD, xuất khẩu hơn 60 tỷ USD (tương đương 20% kim ngạch xuất khẩu), nhưng phải có Samsung thì mới kích thích các doanh nghiệp như Viettel, FPT, VNPT và các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, thông tin khác phát triển, vươn tầm quốc tế. Hay như ngành dịch vụ khách sạn, không có FDI thì làm sao ngành này phát triển được. FDI đã tác động đến mọi mặt của đời sống.

PV: FDI có tác động kích thích, lan tỏa sự phát triển là khá rõ ràng, song về mặt chuyển giao công nghệ thì vẫn còn yếu?

GS. Nguyễn Mại: Nhiều nhà nghiên cứu thường đánh giá tác động lan tỏa của FDI với doanh nghiệp nội chưa cao, nhất là chuyển giao công nghệ. Tôi đồng ý một phần thôi, vì tôi nhấn mạnh rằng, không có doanh nghiệp nào đồng ý cho không công nghệ. Trước đây, làm liên doanh thì có quy tắc chuyển giao công nghệ, nhưng ở các khu kinh tế hiện nay, doanh nghiệp ngoại không làm liên doanh nữa mà đầu tư trực tiếp 100%, vậy chuyển giao làm sao?

Tôi cho rằng mấu chốt của việc chuyển giao công nghệ không nằm ở máy móc, mà ở trí tuệ, con người. Người Việt Nam thông minh có thể học tập được công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, Samsung đã thiết lập trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) (trước đây đi thuê địa điểm, còn hiện tại ở khu Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có khoảng 2.000 kỹ sư phần mềm của Việt Nam làm trong đó. Sau một thời gian có khoảng 100 người chuyển sang Viettel. Như vậy, cách mà chúng ta nhận chuyển giao công nghệ là “cấy” người vào những trung tâm R&D kiểu Samsung. Hiện cả nước có khoảng 17-18 trung tâm R&D của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, chuyển giao không phải là cho dây chuyền, máy móc mà là đào tạo con người.

Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam (Ảnh: Vnexpress)
Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam (Ảnh: Vnexpress)

Ở các mảng khác, như tài chính, ngân hàng, tôi thấy có đến 70-80% nhà quản trị có kinh nghiệm làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài. Đó, những cái chuyển giao như vậy thì không thấy ai nói cả.

Tôi lấy ví dụ ở Vĩnh Phúc, có ông kỹ sư làm việc 4-5 năm cho Toyota, tích lũy kinh nghiệm, sau đó vay vốn và đầu tư sản xuất linh kiện cho Toyota, đến năm 2020 đã có khoảng 3.000 công nhân ở xưởng. Ông ấy đã sản xuất được các loại linh kiện đơn giản mà trước đây Toyota phải nhập khẩu.

PV: Theo giáo sư, triển vọng thu hút FDI công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian tới ra sao?

GS. Nguyễn Mại: Hiện nay có 4 thách thức trong thu hút FDI.

Một là, do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên các nước phát triển coi trọng phát triển kinh tế trong nước. Nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Trung Quốc thay đổi chiến lược đầu tư nước ngoài. Mỹ thì khuyến khích doanh nghiệp đang đầu tư ở Trung Quốc quay về nước, hoặc sang nước thứ ba; Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp chuyển về nước hoặc sang Indonesia, Việt Nam. Hàn Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển về nước.

Hai là, sự sàng lọc trong đầu tư nước ngoài. Ví dụ, hiện nay, Mỹ không chấp thuận đầu tư từ một số nước mà họ cho là thù địch.

Ba là, do khủng hoảng kinh tế, các chính phủ rất coi trọng đầu tư trong nước, để tạo ra việc làm. Mỗi tuần tạo ra bao nhiêu việc làm là con số rất quan trọng.

Thứ tư là, sự lựa chọn đối tác đầu tư.

Chúng ta sẽ hỏi vì sao Mỹ chọn Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện? Một trong những nguyên do là Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hứa hẹn, bởi các yếu tố như: Chính trị ổn định, vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, nhân lực đảm bảo, chính phủ hỗ trợ, độ mở lớn (16 FTA)… Với việc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Việt Nam có quan hệ này với 3/5 quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vị thế của Việt Nam chưa bao giờ cao như hiện nay, vì vậy đầu tư sẽ phát triển. Việt Nam sẽ lựa chọn đầu tư phù hợp với mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hiện đại, dịch vụ hiện đại, từ các tập đoàn lớn với công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Chúng ta thấy vừa qua, Việt Nam có những thỏa thuận rất quan trọng về phát triển công nghiệp bán dẫn - ngành quan trọng nhất của thế giới hiện nay. Chúng ta có điều kiện tự nhiên rất tốt về đất hiếm. Nhiều nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu đã vào Việt Nam và sẽ vào Việt Nam. Đây là cơ hội trời cho đối với Việt Nam.

PV: Vậy chúng ta cần làm thế nào để tận dụng tối đa cơ hội này?

GS. Nguyễn Mại: Thứ nhất là, hoàn thiện thể chế chính sách, ví dụ như thuế tối thiểu toàn cầu. Đây không chỉ là câu chuyện của những Samsung, LG mà còn là câu chuyện của những nhà đầu tư tiềm năng.

Hai là, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, ta đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Nếu không cải thiện được, chi phí logistics vẫn sẽ rất cao, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Không chỉ là hạ tầng giao thông mà hạ tầng về dữ liệu cũng phải làm nhanh, đồng bộ.

Riêng về nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi cho rằng nhân lực Việt Nam rất ổn. Khi Samsung khánh thành trung tâm R&D tại Việt Nam, Tổng giám đốc Samsung có nói: Trong tương lai, Samsung Việt Nam sẽ là Samsung hàng đầu thế giới. Lý do là Chính phủ Việt Nam rất hỗ trợ Samsung, vì vậy tốc độ phát triển Samsung ở Việt Nam là nhanh nhất. Samsung cũng đánh giá rất cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Các kỹ sư Việt Nam không thua kém những người làm cho Samsung ở Hàn Quốc. Tôi ca ngợi thế hệ trẻ hiện nay rất thông minh, năng động, đáp ứng đầy đủ cơ chế thị trường. Họ làm việc ở các môi trường như Samsung, Intel thì năng lực ngày càng cao.

PV: Cơ hội hiển hiện, song hiện thực hóa cũng không hẳn dễ dàng?

GS. Nguyễn Mại: Tất nhiên, tận dụng không đơn giản. Trung Quốc vẫn là thị trường béo bở với các nhà đầu tư. Ấn Độ cũng có những chính sách rất hay.

Chúng ta có cơ hội lớn nhưng tranh thủ cơ hội tới đâu còn phụ thuộc vào chính chúng ta. Hãy nhớ rằng Mỹ, EU có quan hệ rất tốt với chúng ta, tiềm năng rất lớn, nhưng đầu tư rất ít. Vì vậy, đừng trách người mà hãy trách mình. Có 4 vấn đề lớn mà OECD quan tâm: Một là sở hữu trí tuệ, hai là tình trạng tham nhũng vặt, ba là ưu đãi thuế và cấp phép dự án và bốn là con người quản lý. Những điều đó phải được cải thiện nhanh chóng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HẢI THU (thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024