Dự kiến thu thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng
Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện, như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế, chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất...
Kinh doanh game hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. “Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này”, Bộ Tài chính đề xuất.
Theo thống kê từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, ngành game ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các game nội địa. Hơn 50% tựa game trên điện thoại được chơi nhiều nhất đến từ Việt Nam, 50% xưởng game lớn tại Châu Á - Thái Bình Dương và Australia thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành game Việt Nam về nghịch lý thị trường game khi doanh thu đạt mức cao nhưng đa số lại đóng thuế cho nước ngoài.
“Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD và dự báo khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore. Nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế”, ông Tự Do nhận định.
Theo báo cáo tổng kết và tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính nhận định rõ loại hình kinh doanh game hiện nay có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác. Do vậy, chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung loại hình kinh doanh này vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm định hướng tiêu dùng.
Qua rà soát, Tổng cục Thuế phát hiện một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành game, nhưng đơn vị tải game lên các kho ứng dụng trực tuyến lại là doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp của Việt Nam.
Sau khi phát hiện vi phạm, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm hành chính với hơn 10 trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đề nghị Ngân hàng Nhà nước dừng thanh toán, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra về hành vi trốn thuế.