Ông Nguyễn Đức Tài: "Việc bán ra 2 triệu cổ phiếu xét trên tổng lượng tôi sở hữu không là gì cả"
Thế giới Di động đặt mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ USD nhưng tiến độ đang chậm hơn dự kiến
Tại buổi analyst meeting diễn ra vào ngày 11/11, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (mã CK: MWG) đã có chia sẻ với nhà đầu tư về các giao dịch bán tổng cộng 2 triệu cổ phiếu MWG trong giai đoạn gần đây.
Theo ông Tài, nhà đầu tư không nên lo lắng về những thông tin gây nhiễu; việc bán ra cổ phiếu nhằm mục đích cá nhân và con số 2 triệu cổ phiếu không đáng kể so với lượng lớn cổ phiếu mà ông đang nắm giữ.
"Việc tôi bán ra 2 triệu cổ phiếu có thể nhiều với một số người nhưng nếu xét trên tổng lượng sở hữu thì con số này không là gì cả", ông Tài cho biết.
Trong năm 2024, ông Tài đã 2 lần bán ra cổ phiếu MWG trong tháng 6 và tháng 9, với số lượng 1 triệu cổ phiếu/lần, qua đó giảm số cổ phần trực tiếp sở hữu xuống 32,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,22% vốn điều lệ Thế giới Di động.
Cũng tại buổi analyst meeting, ông Tài cũng cho biết thêm, Thế giới Di động đặt mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ USD (hơn 250.000 tỷ đồng) trong vài năm tới. Tuy nhiên, ông phải thẳng thắn thừa nhận tiến độ đạt tới mục tiêu này đang chậm hơn dự kiến, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và quá trình hồi phục sau đại dịch.
"Không có đại dịch Covid-19, chúng tôi đã làm được nhiều thứ hơn. MWG đã lỡ chuyến tàu này 3-4 năm rồi", ông Tài nhấn mạnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của MWG tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 86.858 tỷ đồng (~3,5 tỷ USD). Lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, tăng hơn 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, MWG đã hoàn thành gần 80% mục tiêu doanh thu và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận.
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng và không bị bão hòa
Đánh giá về động lực tăng trưởng của MWG trong quý IV, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu và chú trọng nâng cấp chuỗi bán hàng nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.
Trong thời gian khó khăn, MWG đã giữ nguồn lực để thực hiện các hoạt động này. Nếu thị trường ổn định trong năm tới, ông Tài tin rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng và không hề bị bão hòa như một số lo ngại.
Riêng với mặt hàng gia dụng, trong bối cảnh tất cả nhà bán lẻ khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đều phải đóng thuế, MWG sẽ được hưởng lợi nhờ môi trường cạnh tranh trở nên công bằng hơn.
"Các sản phẩm có giá trị lớn như điện lạnh cần phải lắp đặt tận nơi, mô hình kinh doanh online cũng sẽ khó khăn hơn vì dù giá rẻ hơn, nhưng không phải ai sẵn sàng bỏ vài triệu đồng chỉ để tiết kiệm vài trăm nghìn. Nếu mua hàng online có sự cố về hàng hoá, khách hàng cũng sẽ rất khó khăn", ông Tài cho biết.
Điểm mạnh của MWG là sở hữu hệ thống hàng nghìn nhân viên có thể sửa chữa lắp đặt tận nhà khách hàng - điều mà các doanh nghiệp nhỏ phải mất cả chục năm mới có thể xây dựng.
Ông Tài cũng nhấn mạnh MWG luôn duy trì quyết tâm và tinh thần chiến đấu, không cho phép bản thân giảm tốc dù đang dẫn trước đối thủ, tiếp tục chiến đấu, giữ vững tinh thần để duy trì vị thế dẫn đầu./.
- "Ông lớn” Vingroup, Hoa Sen, Thế giới Di động, Bamboo Capital sẽ đưa “con cưng” IPO trong năm 2024
- Phó Tổng giám đốc VIB đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu
- Dòng tiền đầu tư vào quỹ cổ phiếu toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao sau quyết định của FED?