ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư kinh tế

(KDPT) - Doanh nghiệp đang ngày càng có tâm lý thận trong trong việc đầu tư. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế giảm 4,7% so với năm 2023 đã phản ánh điều đó.

Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục sụt giảm

Tháng 10 vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng trở lại sau ba tháng sụt giảm liên tiếp: tháng 7 giảm 6,3%; tháng 8 giảm 15,2%; tháng 9 giảm 16,3%.

Gần 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng với số vốn đăng ký hơn 153,5 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký gần 80,5 nghìn lao động. Các chỉ số này tăng lần lượt 26,5% về số doanh nghiệp, 65,4% về vốn đăng ký và 27,8% về số lao động so với tháng 9. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, giảm 9,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,5% về số vốn đăng ký và giảm 39,2% về số lao động.

Tính chung 10 tháng năm 2024, Việt Nam có gần 136,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.312,1 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký gần 815,6 nghìn lao động. Các chỉ số này lần lượt tăng 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 4,1% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 10 tháng qua cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường - cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) - chiếm 92,5%, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ: 103,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 75,8% và tăng 2,73%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 31.585 doanh nghiệp, chiếm 23,2% và giảm 0,53%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 1% và giảm 5,24%.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2023 - đạt gần 2.613,1 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong việc tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng vẫn còn hiện hữu. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn thấp hơn các năm trong giai đoạn 2017-2022.

Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (58,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 42,7%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (41,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,4%).

Nỗ lực nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước

Đối với các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp quay trở lại đạt hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có hơn 6,6 nghìn doanh nghiệp. Riêng tháng 10 ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao sau khi giảm trong tháng 9 với mức tăng 33,5%.

Để hoàn thành mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Tổng cục Thống kê nhận định trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, cần tập trung đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư theo hướng tận dụng cơ hội từ sự mở rộng của khối BRICS để tăng cường quan hệ kinh tế với những thành viên mới như Ả Rập Xê Út và UAE. Đồng thời duy trì và phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống.

Bên cạnh đó, ưu tiên đẩy mạnh cải cách cơ cấu và nâng cao năng suất lao động thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế, song song với phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/12/2024