ISSN-2815-5823

Du lịch cộng đồng - Xu hướng phát triển bền vững

(KDPT) - Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một xu hướng của du lịch bền vững, qua đó nhiều nét đẹp về văn hóa đã được gìn giữ và phát huy, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

DLCĐ phát huy sự chủ động của người dân

Những năm gần đây, Chính Phủ Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn thông qua triển khai mạnh mẽ hai chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững. Mục tiêu của các chương trình nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng gắn với phát triển kinh tế tại địa phương.

Thế mạnh của Việt Nam về du lịch, nhất là du lịch kết hợp tìm hiểu về văn hóa, về đời sống thường nhật của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trở thành xu hướng. Đó chính là loại hình du lịch cộng đồng, hiện rất phát triển tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản…

Học sinh thích thú ngồi xe điện trải nghiệm cảnh quan tại Mộc Châu.
Học sinh thích thú ngồi xe điện trải nghiệm cảnh quan tại Mộc Châu.

DLCĐ hay du lịch dựa vào cộng đồng là hoạt động du lịch do cộng đồng sở hữu và vận hành, được quản lý hay điều phối ở cấp cộng đồng, nhằm đóng góp vào việc nâng cao đời sống của cộng đồng thông qua hỗ trợ cải thiện sinh kế và bảo tồn các truyền thống có giá trị và các nguồn di sản thiên nhiên và văn hóa.

Cái gốc của DLCĐ phù hợp với mục tiêu của Việt Nam về phát triển cộng đồng. Trọng tâm chính là phát triển con người vì con người là chủ thể quan trọng hình thành nên cộng đồng. Đẩy mạnh DLCĐ tạo ra những chuyển biến xã hội trong cộng đồng từ đó cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng, mang lại sự bền vững về môi trường.  

Ưu điểm của DLCĐ là tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Quan trọng hơn, từ đó có thể thay đổi cơ cấu việc làm và cải thiện chất lượng lao động, hạn chế việc di cư từ nông thôn đến các đô thị; Mang lại chất lượng sống tốt hơn cho dân cư trên địa bàn, bất kể họ có tham gia vào hoạt động DLCĐ hay không, từ việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường; Khác với du lịch thông thường, DLCĐ thực sự mang lại sự thay đổi từ bên trong cho người dân. Họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất, thuận tiện và sẵn sàng trở thành người tham gia trong chuỗi phát triển du lịch ngay chính tại nơi đang sinh sống. Những “nguyên liệu” người dân sẵn có như: Nhân lực tham gia vận chuyển, làm hướng dẫn cho du khách, tham gia bán hàng thổ cẩm, nông sản địa phương, tham gia cung cấp chỗ ở (thậm chí chính là nhường một phần diện tích đang sinh sống cho du khách trải nghiệm), cung cấp đồ ăn…

Để DLCĐ cất cánh

Vào những năm 1990, tại Việt Nam, mô hình DLCĐ đầu tiên tại Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) mang lại nhiều ấn tượng cho du khách. Đây là nơi sinh sống của dân tộc Thái với hơn 700 năm lịch sử cùng rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Du khách đến bản được tận hưởng không khí trong lành, chìm đắm trong những điệu múa xòe, tiếng sáo réo rắt và thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ có ở vùng này. Họ được tham gia trải nghiệm cuộc sống của dân bản, ăn ngủ, thức cùng dân bản… đã trở thành những ký ức khó quên, hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở giữ nguyên những nét đặc sắc vốn có, dẫn dắt mọi người vào trải nghiệm thực tế thực sự tạo sức hút, để lại ấn tượng sâu sắc so với cách du lịch thông thường chỉ dừng lại ở thưởng ngoạn phong cảnh và khám phá ẩm thực.

Tính đến thời điểm này, DLCĐ đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trải dài từ Bắc vào Nam với hầu hết các loại hình như: Homestay, Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, nông thôn, Du lịch văn hóa dân tộc. Nổi bật nhất của DLCĐ ở các địa phương là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa các dân tộc.

Với sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực phong phú và sự thân thiện của cộng đồng, Việt Nam có nhiều cơ hội để DLCĐ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,  mang lại nguồn thu và nâng cao đời sống cho cộng đồng ngay tại nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, để DLCĐ phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần sự chung tay của nhiều người, trong đó nhấn mạnh đến công tác truyền thông và cách thức tổ chức. Nên chăng, lãnh đạo các tỉnh cùng ngồi lại, “thiết kế” chương trình tại nhiều điểm, với đa dạng sự lựa chọn dành cho du khách, hình thành những tour DLCĐ “xuyên tỉnh”  có tổ chức chuyên nghiệp.

Chúng ta cần hiểu rằng, nhu cầu du lịch trong nước ngày càng cao, do đó muốn kích cầu, phải làm một cách bài bản, có chiến lược. Cần tuyên truyền để mỗi người dân có thể tự mình giới thiệu về địa phương, về điểm DLCĐ trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mỗi dịch vụ, mỗi sản phẩm DLCĐ cần được tư vấn và đầu tư công sức nhằm tạo ra sự hấp dẫn, mới lạ, tuyệt đối không được “bắt chước” hoặc đưa ra các sản phẩm na ná giống các địa phương khác. Mạnh dạn cung cấp các sản phẩm có tính độc đáo, riêng biệt và biến thành dịch vụ giái trí có tính ứng dụng cao.

Một điểm Du lịch tại Sa Pa.
Một điểm Du lịch tại Sa Pa.

Thêm vào đó, DLCĐ Việt Nam rất cần được nâng tầm ngang với khu vực, xây dựng và đưa vào khai thác các thực cảnh có giá trị văn hóa lớn, không chỉ tạo điểm nhấn mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Loại hình du lịch mạo hiểm cần chú trọng đầu tư, với tiềm năng về thiên nhiên đa dạng và phong phú, hứa hẹn loại hình này không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn trở thành điểm đến mới của khách quốc tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/12/2024