Hướng phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp xanh và xuất khẩu thông minh
Chuyển đổi xanh là xu hướng bắt buộc
Tại Hội thảo “Công nghiệp xanh và Xuất khẩu thông minh - Hướng đến phát triển bền vững” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đã khẳng định, việc chuyển đổi xanh và số hóa không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ và các yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững trong thương mại quốc tế, Hội thảo tập trung thảo luận vào một số nội dung như tác động của các chính sách quốc tế đến xuất khẩu Việt Nam; xu hướng chuyển đổi xanh tại các thị trường nhập khẩu, tiêu dùng lớn...
Tại Hoa Kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã triển khai các chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 3/4/2025.
"Động thái này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn, với nguy cơ dẫn đến các biện pháp trả đũa và làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến kinh tế thế giới", ông Nguyễn Đức Minh chia sẻ.
Trong đó, việc gia tăng các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường từ thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tuân thủ các chứng chỉ như ISO 14064-1, ISO 14067 nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, theo tạp chí The Fortune (Mỹ), cuộc xung đột này đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD, với các tác động như lạm phát gia tăng, giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm hoạt động du lịch. Những biến động này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự gia tăng rào cản thương mại, biến động giá cả và yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường đang đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược thích ứng linh hoạt và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về chuyển đổi xanh và logistics. Các chuyên gia nhận định, chi phí logistics có thể tăng nếu không tái cấu trúc hệ thống vận tải theo hướng phát thải thấp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tối ưu vận hành, tăng khả năng truy xuất và giảm rủi ro trong xuất khẩu.
Logistics xanh, trí tuệ nhân tạo là cánh tay hỗ trợ đắc lực
Trong lĩnh vực công nghiệp xanh, logistics xanh đang trở thành ưu tiên chiến lược, không chỉ để giảm phát thải mà còn để tối ưu chi phí vận hành, tăng khả năng truy xuất và bảo đảm tính minh bạch – một yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường tiêu chuẩn cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và số hóa trong sản xuất cũng là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp cắt giảm từ 8-15% chi phí logistics, nâng cao hiệu suất và gia tăng khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2025-2030, các thị trường như Canada, EU, Đông Bắc Á sẽ là những điểm đến chiến lược cho hàng hóa “xanh” nhờ chính sách thuế ưu đãi. Việc tiếp cận tín dụng xanh, ưu đãi đầu tư, và các chương trình tư vấn, đào tạo chuyên sâu sẽ trở thành lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt nâng tầm vị thế trên thị trường quốc tế.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều biến động sâu sắc, với hàng loạt thách thức từ căng thẳng địa chính trị, thay đổi chính sách thuế và xu hướng phát triển bền vững, hội thảo đã trở thành diễn đàn chuyên sâu, thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tư vấn và giới chuyên gia. Tại đây, các đại biểu không chỉ cập nhật thông tin mới nhất về tình hình kinh tế quốc tế mà còn cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu.
Một nội dung khác thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là kinh nghiệm ứng dụng AI và số hóa sản xuất. Những chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, các nền tảng AI giúp doanh nghiệp giảm 8-15% chi phí logistics, tăng hiệu suất và minh bạch hóa dữ liệu chuỗi cung ứng - một yếu tố quan trọng để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao.
Trong giai đoạn 2025-2030, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tập trung các thị trường có chính sách thuế ưu đãi và khuyến khích hàng hóa xanh, tiêu dùng xanh như Canada, EU, Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng xanh, ưu đãi đầu tư và các chương trình tư vấn - đào tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong nâng cao năng lực xuất khẩu./.
- Năng lượng xanh là trụ cột cho các mục tiêu phát triển kinh tế
- Metro không tiền mặt thúc đẩy giao thông xanh