'Phát triển điểm đến xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam'
Nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025, ngày 11/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam”.

Diễn đàn đã chỉ ra từ nhiều năm nay, du lịch Việt Nam đã xác định rõ chiến lược phát triển du lịch xanh là mục tiêu hàng đầu. Từ năm 2018 – 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vận động các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Sau đại dịch Covid-19, sau khi hoàn thành dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch do UNDP tài trợ, Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam thực sự là một động lực kinh tế mạnh mẽ, đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế - tăng gần 40% - cùng với 110 triệu lượt khách nội địa, tạo ra doanh thu ấn tượng 840 nghìn tỷ đồng. Sự năng động này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình. Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Chủ đề của diễn đàn hôm nay, "Phát triển Điểm đến Xanh – Nâng tầm Du lịch Việt Nam", cộng hưởng sâu sắc với cam kết của UNDP đối với sự phát triển bền vững. Những con số tăng trưởng du lịch ấn tượng của năm 2024 là minh chứng cho sức mạnh nội tại của ngành, nhưng những góc nhìn sâu sắc được chia sẻ hôm nay thức tỉnh chúng ta rằng sự nâng tầm đích thực đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản hướng tới các hoạt động xanh. Chúng tôi nhận thức rõ rằng hành trình này chỉ vừa khởi bước, thường diễn ra trên quy mô nhỏ. Dù tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh đã được nhấn mạnh, việc lan tỏa và nhân rộng những hành động thiết thực mới là điều then chốt”.
Thảo luận các vấn đề liên quan đến du lịch xanh, GS.TS Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện kinh tế du lịch (thuộc Hiệp hội Du lịch VN) khẳng định, chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, ngành du lịch cần phải phát triển theo hướng giảm phát thải carbon; sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng); khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú; bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Hiện nay, việc phát triển du lịch xanh đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai. Nhiều mô hình thành công nhưng cũng có không ít địa phương vẫn loay hoay với không ít thách thức.

Nhận diện những khó khăn, thách thức mà các địa phương, doanh nghiệp còn đang phải đối diện, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch trên với 5 trụ cột: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các sản phẩm điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh; ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: “Đã đến lúc các đối tác trong ngành Du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với mục tiêu phát triển chung của đất nước”.
- Hành trình du lịch xanh qua 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình
- Giảm thiểu rác thải nhựa vì một nền du lịch xanh bền vững
- Quảng Nam: Chú trọng phát triển công nghiệp, du lịch xanh, thu hút đầu tư