Du lịch Hà Nam tìm lối đi trong 'kỷ nguyên bão hòa'
Trong hai ngày 29 - 30/5/2025, tỉnh Hà Nam giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm và Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2025, với sự tham gia của 200 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành, báo chí, nhà đầu tư và các tập đoàn phát triển du lịch lớn trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2025, với điểm nhấn của chương trình là tọa đàm “Tam Chúc - Sản phẩm du lịch trong kỷ nguyên bão hòa”, diễn ra tại Khu du lịch Tam Chúc.
Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư
Hà Nam được đánh giá là tỉnh sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc sắc, hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái – tâm linh, du lịch lễ hội – văn hóa, nghỉ dưỡng – chữa bệnh.
Đặc biệt, vị trí địa lý tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang Bắc Nam và là cửa ngõ kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng với các tỉnh phía Nam, là lợi thế chiến lược để Hà Nam thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành du lịch muốn phát triển bền vững không thể thiếu sự liên kết – đặc biệt là mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và hệ thống truyền thông. Thực tế đã chứng minh, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch cần liên kết để phát triển. Chính nhờ những mối liên kết đó, du lịch mới có thể tạo dựng được hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh, thu hút đầu tư và định vị thương hiệu điểm đến.
Thị trường du khách cuối tuần từ Hà Nội và các tỉnh lân cận là cơ hội rõ rệt để Hà Nam đột phá trong việc phát triển các sản phẩm ngắn ngày, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng sức khỏe. Đồng thời, điều kiện kết nối thuận lợi cũng giúp tỉnh mở rộng giao thương, liên kết vùng và thu hút đầu tư.
Những năm gần đây, Hà Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Tỉnh cũng tích cực tham gia các chương trình hợp tác phát triển du lịch liên vùng, nổi bật là với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến.
Cùng với đó, công tác truyền thông, quảng bá du lịch được chú trọng với sự đồng hành tích cực của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Các sự kiện, sản phẩm du lịch Hà Nam thường xuyên được giới thiệu rộng rãi, tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút sự quan tâm của công chúng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

“Trong chuyến khảo sát hôm nay, các đại biểu có dịp trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm đặc trưng của Tam Chúc – điểm đến đã định vị thương hiệu – cùng những sản phẩm mới hứa hẹn tạo đột phá, góp phần nâng tầm du lịch Hà Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.
Hiện Hà Nam đang phát triển nhiều điểm đến mới và cao cấp như: Khu đô thị sinh thái Sun Mega City – dự án do Tập đoàn Sun Group phát triển tại phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý. Dự án nổi bật với quy hoạch hiện đại, không gian sống tích hợp 5 công viên lớn – tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch xanh, đô thị nghỉ dưỡng.
Hướng tới du lịch 4 mùa bền vững
Phát biểu tại tọa đàm “Tam Chúc - Sản phẩm du lịch trong kỷ nguyên bão hòa”, ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Nam cho biết, Khu du lịch Tam Chúc là điểm đến tâm linh và sinh thái nổi bật của Hà Nam, đã được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia. Với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan độc đáo và chiều sâu văn hóa – tâm linh, Khu du lịch Tam Chúc là biểu tượng của du lịch Hà Nam, góp phần đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Giữa làn sóng phát triển ồ ạt của các điểm đến du lịch, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc vẫn giữ vững được vị thế đặc biệt của mình – một vùng đất hội tụ tinh thần tâm linh, vẻ đẹp sinh thái và nay là cả sự đột phá trong dịch vụ. Cách Hà Nội chỉ hơn 60km, Khu du lịch Tam Chúc không ngừng chuyển mình để thích ứng với thị hiếu du khách ngày càng cao, với loạt sản phẩm và trải nghiệm mới ra mắt trong năm 2025, hứa hẹn đưa nơi đây trở thành một “hệ sinh thái du lịch” kiểu mẫu của miền Bắc.
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel đánh giá, Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc đã trở thành điểm đến nổi tiếng, đặc biệt thu hút du khách vào mùa cao điểm như dịp đầu xuân. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay là tính mùa vụ rõ rệt, khiến lượng khách và công suất dịch vụ sụt giảm mạnh vào các mùa thấp điểm.
Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Tài đề xuất Tam Chúc cần chuyển đổi từ tư duy thụ động sang mô hình doanh nghiệp dịch vụ chủ động, với đội ngũ kinh doanh chuyên trách làm việc trực tiếp với các công ty lữ hành, cập nhật sản phẩm và chính sách ưu đãi linh hoạt theo mùa.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế “giảm sâu, giảm sốc” vào mùa thấp điểm đi kèm các chương trình truyền thông và trải nghiệm hấp dẫn, thay vì chỉ hạ giá đơn thuần. Đặc biệt, ngay cả mùa cao điểm, Tam Chúc cũng cần ưu tiên tiếp đón chu đáo các đoàn tour lữ hành để tạo thiện chí, giữ chân đối tác và duy trì dòng khách đều quanh năm. Tam Chúc đã có sản phẩm tốt – giờ là lúc chuyên nghiệp hóa vận hành và xây dựng chiến lược bài bản để trở thành điểm đến bốn mùa của miền Bắc.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Aritour nhấn mạnh tiềm năng lớn của Tam Chúc trong việc đón khách quốc tế, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc. Ông cho rằng hiện Tam Chúc mới chủ yếu hút khách nội địa theo mùa, còn thị trường quốc tế vẫn chưa được khai thác bài bản và chủ động.
Ông Lâm chỉ ra mô hình thành công của Hàn Quốc trong việc thu hút du khách Việt: Đầu tư lớn cho truyền thông, mời người nổi tiếng quảng bá điểm đến và xây dựng chiến dịch chuyên nghiệp. Từ đó, ông đề xuất Tam Chúc nên thực hiện một chiến dịch truyền thông quy mô, mời KOLs Hàn Quốc như hoa hậu, diễn viên, TikToker… sang trải nghiệm và chia sẻ trên mạng xã hội, giúp lan tỏa hình ảnh điểm đến tới hàng chục triệu người dân Hàn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) cho biết, HUTC đang triển khai kế hoạch thành lập liên minh lữ hành để phát triển các sản phẩm du lịch chiến lược, mở đầu là chương trình “Hà Nam hai ngày”, trong đó Khu Du lịch Tam Chúc là điểm dừng chân “đinh” của tour.
“CLB Unesco Hà Nội sẵn sàng đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến để hiện thực hóa các ý tưởng thành dòng khách cụ thể, góp phần xây dựng những sản phẩm du lịch bài bản, bền vững và mang lại giá trị lâu dài cho Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc nói riêng, Hà Nam nói chung”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định./.
- Giải mã sức hút căn hộ Sun Group mới ra mắt kề cận công viên nước Hà Nam
- Mở bán đợt 2, đô thị nghỉ dưỡng Sun Group Hà Nam hết gần 80% quỹ hàng chỉ sau 2 giờ