\

Theo Tổng cục Du lịch, báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số (trong 17 chỉ số trụ cột,) được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Bao gồm: Sức cạnh tranh về giá (hạng 15); tài nguyên tự nhiên (hạng 24); tài nguyên văn hóa (hạng 25); hạ tầng hàng không (hạng 27); an toàn, an ninh (hạng 33). Kỳ đánh giá năm 2019, Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này (sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa).

Việt Nam cũng đã đạt những danh hiệu của các tổ chức giải thưởng du lịch toàn cầu uy tín: Điểm đến du lịch châu Á 4 năm liền, điểm đến golf tốt nhất châu Á, điểm đến hàng đầu về di sản, điểm đến hàng đầu về ẩm thực…

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mới đây cho biết, tính mức trung bình, công suất phòng khách sạn 4-5 sao ở TP Hồ Chí Minh hiện trên 75%. Theo thông tin của Sở Du lịch Kiên Giang, chỉ trong ngày 13/7/2022, tại Phú Quốc đã có 46.958 du khách trong nước lưu trú, tăng 5.002 khách so với ngày 12/7; lượng khách quốc tế là 2.370, tăng 216 khách.

Sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh, rất nhiều chương trình kích cầu được các địa phương liên tục \"tung\" ra. Phía Bắc có Festival \"Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai\" sẽ diễn ra từ ngày 5-8/8/2022 tại Sa Pa. Ngày hội Văn hoá Thể thao Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV dự kiến diền ra từ ngày 2- 4/11/2022 tại Việt Trì, Phú Thọ. Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II dự kiến trong quý 4/2022 tại Thái Nguyên…

Miền Trung: Lễ hội Dù lượn Nha Trang và các sự kiện \"Nha Trang Chào hè 2022\" của Khánh Hòa. Hàng loạt sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức.

Miền Nam: TP Hồ Chí Minh vào quý 3 năm 2022 sẽ mở tuyến đường thủy bằng tàu cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được tổ chức ở Đồng bằng sông Cửu Long: Chương trình dù lượn thể thao ở An Giang; Lễ hội Bánh ở Cần Thơ; Lễ hội Dừa Bến Tre…

\

Theo thống kê, từ tháng 5/2022, lượng khách quốc tế tăng, tuy chưa nhiều nhưng là tín hiệu rất tích cực. Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế đi - đến Việt Nam từ 15/3, việc dỡ bỏ yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh từ 15/5, ngành Hàng không dự kiến năm 2022 đạt 70-80 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt.

Các chuyên gia cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Sự phục hồi của du lịch đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lượt lao động cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong năm 2022, mục tiêu của ngành Du lịch là thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế bao gồm trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram, Youtube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Đồng thời, ngành Du lịch cũng đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; tăng cường hợp tác với mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với vai trò cầu nối thông tin, hỗ trợ quảng bá du lịch, tạo động lực để ngành du lịch phục hồi.

Từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương trong cả nước sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng sẽ được quan tâm phát triển như du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm,… Hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu chung của nhiều nước trong khu vực. Do vậy, tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi của du lịch theo hướng tăng lượng du khách và tăng doanh thu sẽ là cơ sở để khẳng định vai trò, đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.