Lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lễ hội Chèo tàu Tổng Gối
Tổng Gối gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) từ xa xưa đã nổi tiếng với lễ hội hát Chèo tàu. Nét đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn.
Năm nay, Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối được tổ chức gắn với kỷ niệm 608 năm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành, với mục đích ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã khai thiên lập địa, có công lao với quê hương, đất nước; đồng thời góp phần khơi dậy truyền thống, lòng tự hào với quê hương và tỏ lòng biết ơn của người dân địa phương với Đức Thành Hoàng Làng.
Lễ hội góp phần khơi dậy truyền thống, lòng tự hào với quê hương. (Ảnh: HT) |
Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể Chèo tàu của địa phương; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn.
Tiết mục múa lân sư rồng mừng lễ hội. (Ảnh: HT) |
Theo ông Đỗ Văn Mười - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội, đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối 2024 đã được hoàn tất, với các phương án tối ưu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách thập phương.
Ông Đỗ Văn Mười - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội. (Ảnh: HT) |
Theo tích xưa, có thông tin cho rằng lễ hội Chèo tàu hàng Tổng tổ chức 25 năm một lần, nhưng cũng có thông tin là 5 năm một lần. Thể theo nguyên vọng của nhân dân, lễ hội hàng năm giao cho 1 thôn chủ trì chính và 5 năm sẽ là lễ hội hàng Tổng.
“Xã đang nỗ lực bảo tồn loại hình Chèo tàu này qua hình thành CLB, tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy. Hiện, đã sưu tầm được 300 bài, nhưng trình diễn thường có 8 bài. Hiện nay, xã đang phối hợp với các nhà nghiên cứu và các đơn vị chức năng của huyện sưu tầm tài liệu, củng cố hồ sơ để đề nghị công nhận hát Chèo tàu là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”, ông Đỗ Văn Mười cho biết.
Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.
Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.
Điều đặc biệt là, tất cả bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.
Để khai thác và phát huy được truyền thống văn hóa của địa phương mình, Tân Hội đã xây dựng “CLB chèo tầu” và xã hội hóa nó dưới hình thức dạy hát chèo tàu trong các lớp học. Người dân Tân Hội luôn tự hào vì giá trị văn hóa của quê hương mình vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.
Trong 2 ngày từ ngày 23 đến 24/2 (tức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch), lễ hội sẽ diễn ra với 2 phần là phần Lễ bao gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước; lễ dâng hương; lễ tế hàng tổng và phần Hội diễn ra sôi động với các giải thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ Giao lưu dân ca, dân vũ./.