ISSN-2815-5823

Hà Nội nghiêm túc trong công tác tổ chức lễ hội

(KDPT) - Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng ghi nhận công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng như hoạt động tại các điểm di tích, đình, đền, chùa diễn ra khá nghiêm túc.
Hà Nội: Khai ấn triều Lý tại lễ hội "Tế Khai sắc, rước khai xuân" đền Voi Phục Vĩnh Phúc: Bế mạc Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, "ông Cầu" số 15 vô địch

Nhiều lễ hội diễn ra đầu Xuân

Thống kê từ Sở VHTT Hà Nội cho thấy, Hà Nội có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024 với nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân, ngay sau Tết Nguyên đán. Diễn ra sớm nhất là lễ hội Gò Đống Đa từ mồng 5 Tết Nguyên đán. Nhiều địa điểm khác cũng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương dịp đầu năm như chùa Hà (quận Cầu Giấy), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Và (thị xã Sơn Tây)…

Lễ hội Gò Đống Đa

Tại cụm di tích đình - chùa Hà, Ban quản lý di tích tổ chức cho mượn trang phục, hướng dẫn khách đến sắp lễ, trông xe miễn phí. Ban quản lý di tích cũng chủ động chỉnh trang cảnh quan; vệ sinh thường xuyên khuôn viên và các khu vực hành lễ. Điểm mới năm nay là Ban quản lý di tích thực hiện số hóa bằng mã quét QR code để người dân và du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về di tích.

Tại phủ Tây Hồ, các phương án chuẩn bị đón khách sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã được chuẩn bị từ cuối năm trước. Không chỉ trong phủ mà các tuyến đường ngoài phủ cũng được vận động thực hiện văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt, phân luồng giao thông… Công tác phòng cháy chữa cháy được Ban quản lý đặc biệt lưu ý bằng việc thực tập các phương án phòng cháy chữa cháy từ trước Tết Nguyên đán, tăng thêm các bình, vòi chữa cháy. Cùng với không gian cảnh quan, thái độ của nhân viên các cửa hàng, khu bãi giữ xe, phục vụ trong phủ... nhiệt tình, nhẹ nhàng đã tạo nên tâm thái thoải mái cho du khách. Đặc biệt, năm nay Phủ Tây Hồ thực hiện cho khách đến gửi xe trả hoàn toàn trên hệ thống điện tử. Ông Trương Tiến Hồi, Trưởng ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết: Người dân và du khách thập phương đến phủ trả phí thông qua hình thức quét mã QR, giá vé được niêm yết công khai. Nhờ vậy công tác trông giữ xe thực hiện được quy củ, tránh được tình trạng các đơn vị trông giữ xe tăng giá sai quy định, thu lời bất chính.

Tại đền Quán Thánh, lượng khách dâng hương chiêm bái không quá đông. Người dân đi lễ trong trật tự, văn minh.

Đền Quán Thánh

Tại đền Và, BTC đã tập trung nguồn lực để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi. BTC lễ hội đã bố trí bãi trông giữ xe dịch vụ ô tô, xe máy, xe đạp… của du khách hợp lý, đồng thời sắp xếp các hàng quán vào đúng vị trí quy định góp phần vào trật tự trong lễ hội. Các ban ngành đoàn thể địa phương cũng phối hợp tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương. BTC cũng đã phân công lực lượng đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn PCCC trong khu vực tế, lễ; đảm bảo tuyệt đối an toàn đêm văn nghệ, khu vực trò chơi, bãi xe và cả lễ hội, không để ách tắc giao thông kể cả lúc cao điểm.

Mặt khác, tại lễ hội đền Và, sẽ tổ chức một số trò chơi dân gian truyền thống ở khu vực bãi xe tạm. Thời gian tổ chức từ chiều ngày 23-26/2/ 2024 (14 tháng Giêng đến 17 tháng Giêng) như: Cờ tướng, nhảy bao bố, thi nấu cơm, kéo co… Từ ngày 22/2 (13 tháng Giêng) đến hết ngày 25/2/2013 (16 tháng Giêng) diễn ra hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương lễ hội Đền Và 2024.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội nghiêm túc

Nhằm đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội nghiêm túc, Sở VHTT Hà Nội đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đã có sự thay đổi tư duy lãnh đạo; bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý bằng hình thức số vé điện tử, không có tình trạng chèo kéo, đeo bám khách.

Đoàn công tác kiểm về tổ chức, quản lý lễ hội của Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hà Nội làm việc tại đền Và (thị xã Sơn Tây).

Các địa phương cũng đều rất cầu thị, cung cấp đường dây nóng, thông tin báo chí... để nhân dân, báo chí có thể góp ý cho công tác quản lý lễ hội tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Và đã được thực hiện chu đáo. Thị xã đã chỉ đạo phường Trung Hưng tăng cường công tác đảm bảo ANTT; tăng cường nhân lực, bảo đảm vệ sinh môi trường… BTC kỳ vọng, lễ hội đền Và sẽ thu hút 18.000 người dân và du khách về dự hội.

Trưởng phòng Quản lý nếp sống văn hóa và Gia đình xã hội - Sở VHTT Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thu hút lượng lớn người dân và du khách hành lễ trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã có phương án tổ chức bài bản, đúng quy định. Qua việc tổ chức các đoàn kiểm tra, đến nay chưa ghi nhận vi phạm nào.

Tại cụm di tích đình - chùa Hà.

Ông Bùi Minh Hoàng đồng thời đề nghị các địa phương, ban quản lý các di tích tiếp tục thực hiện nghiêm công tác tổ chức, quản lý lễ hội; tập trung bố trí lực lượng hướng dẫn du khách chu đáo; tuyên truyền người dân đi lễ văn minh. Đặc biệt là chú ý các vấn đề PCCC, vệ sinh môi trường, cảnh quan, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL Lương Đức Thắng cho biết, đến nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội khá tốt. Điều này cho thấy sự chỉ đạo thông suốt của các cấp chính quyền cũng như sự chuyển biến trong nhận thức và của người đi lễ cũng như sự chấp hành, thực hiện nghiêm túc của các địa phương, các điểm di tích, danh thắng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024