Những con số không biết nói dối

Trả lời trên báo chí, bà Thảo cho biết sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của Trung Nguyên phần nào xuống dốc. Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.

Tuy nhiên, dựa trên những báo cáo tài chính và kiểm toán mới đây, câu chuyện “Trung Nguyên đang xuống dốc” dường như đang ở chiều ngược lại với những phát ngôn của bà Thảo.

Cụ thể, theo dữ liệu của bảng xếp hạng VNR500, năm 2014, Trung Nguyên xếp vị trí 217 trong số các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất.

Trong khi đó, theo Nhịp cầu Đầu tư năm 2016, dẫn đánh giá của một số chuyên gia trong ngành cho rằng các công ty cà phê nội địa tên tuổi có doanh thu dao động bình quân 260-300 tỷ đồng/tháng (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng/năm), tăng trưởng bình quân 20%/năm. Doanh thu của Trung Nguyên có thể vươn đến xấp xỉ 10.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Các con số trên đã phần nào chứng minh cho việc Trung Nguyên vẫn là đế chế cà phê khó có thể đánh bại.

Nhiều năm qua, cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã trở thành đại diện cho những hoài bão, tham vọng, khát khao vươn ra thế giới của doanh nhân Việt. (nguồn internet).

Giữ lấy một niềm tin

Xoay quanh câu chuyện ồn ào của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo, có nhiều luồng ý kiến được đưa ra. Nhưng ở đây chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo hơn về Trung Nguyên. Bởi vì Trung Nguyên không chỉ thuộc sở hữu của hai vợ chồng ông Vũ, bà Thảo một cách đơn thuần – đó còn là một thương hiệu quốc gia. Chắc hẳn đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn ngưỡng mộ ý chí, khát khao khởi nghiệp của chàng thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ, người đi từ “zero đến hero” như cách mà các báo chí nước ngoài gọi ông.

Trả lời trên news.zing.vn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là một doanh nhân thành công, cống hiến rất nhiều cho xã hội và luôn là nhân vật đầy cảm hứng về khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam.

Nhìn rộng ra, theo bà Lan ở Việt Nam hiện có rất ít các thương hiệu có thể làm được như Trung Nguyên. Đơn cử như gạo là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có được chỗ đứng vững vàng về thương hiệu như gạo Thái Lan. Cùng là nông sản, nhưng hồ tiêu – mặt hàng chiếm trên 50% sản lượng thương mại thế giới nhưng vẫn chưa có được một thương hiệu quốc gia.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh các nước lớn trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ hóa sản phẩm của nước mình, việc một doanh nghiệp vươn được ra ngoài lãnh thổ quốc gia là một điều hiếm hoi, rất nhiều doanh nghiệp đã chịu “chết yểu” trước khi ra được đến biển lớn. Trên thế giới, có những trường hợp chỉ vì lục đục trong nội bộ gia đình mà cả một thương hiệu, một doanh nghiệp lâm vào cảnh xuống dốc không phanh. Tiêu biếu đó là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Hàng loạt bê bối, từ đấu tranh quyền lực trong nội bộ gia đình đến chuyện hối lộ quan chức, khiến Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn.

Trong khi để tạo dựng được một thương hiệu riêng không phải là điều đơn giản. Doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng được nó. Riêng đối với thương hiệu cà phê Trung Nguyên – một thương hiệu quốc gia đang phát triển và xâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính, cái dư luận cần quan tâm là bảo vệ, gìn giữ các thương hiệu của Việt Nam như thế nào.

Vì vậy, việc giữ cho được và phát triển một thương hiệu quốc gia là điều mà không chỉ nội bộ gia đình cũng như công ty Trung Nguyên cần phải làm mà đó còn là trách nhiệm của một xã hội đề cao các triết lý nhân văn, với mong muốn đưa sản phẩm của người Việt vươn xa hơn và cao hơn.

Đừng vì ném “con chuột nhỏ” mà làm “vỡ cái bình lớn”, hơn nữa “cái bình” đó là một thương hiệu quốc gia của chúng ta.

Phương Thúy